Thứ năm 08/08/2024 02:17
Nghịch lý quá tải bệnh viện:

Kỳ 2: khi bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khi người dân hàng ngày chen chúc, ngột ngạt ở các tuyến Bệnh viện (BV) TƯ như Bạch Mai, Việt Đức… thì việc một số dự án BV trọng điểm bị bỏ hoang, chậm tiến độ đang gây ra sự lãng phí về tài nguyên và ngân sách Nhà nước.
Kỳ 2: khi bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang

Cảnh đông đúc tại khu nhà D BV Hữu Nghị Việt Đức

Ảnh: Duy Linh

Hai bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang

Dự án cơ sở 2 của BV Bạch Mai có quy mô BV 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.

Cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt Đức có quy mô BV 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.

Cuối năm 2014, cả 2 cơ sở này được khởi công xây dựng với kỳ vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của hai BV Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, hai dự án này vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng như kế hoạch ban đầu.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dù đã có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay, hai BV này vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là phần thiết bị y tế. Mặc dù đã có kế hoạch mở cửa phòng khám trước, nhưng do cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám không nhiều, khiến hoạt động không hiệu quả.

Hậu quả là hai BV này gần như bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài, ngoại trừ một số thời điểm ngắn được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân Covid-19. Sự chậm trễ này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân.

Trước cảnh hoang tàn, cửa đóng then cài, hàng nghìn tỷ để không cho cỏ mọc, ông Phạm Văn Quyết (ở xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, khi nghe nói thu hồi đất để xây BV Bạch Mai cơ sở 2, ông và người dân ở đây rất vui mừng, đồng tình. “Tôi và người dân ở đây đều mong muốn có một BV chất lượng với tay nghề cao của các y bác sĩ ở ngay gần địa phương. Việc đó sẽ đỡ được cho chúng tôi việc di chuyển lên Hà Nội khám, điều trị cực khổ, tốn kém” – ông Phạm Văn Quyết nói.

Cũng theo ông, việc có thêm 1 cơ sở của BV tuyến TƯ ở tỉnh sẽ giải toả được lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh Thanh Hoá, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An và một số tỉnh phía trong đổ ra.

“Mỗi lần lên Hà Nội khám bệnh, chưa tính chuyện tốn kém, việc vạ vật chờ đợi đến lượt khám từ ngày này sang ngày khác khiến chúng tôi ám ảnh” – ông Phạm Văn Quyết nói.

Ông cũng cho biết, năm 2018, lúc BV khánh thành khu khám bệnh đã có rất đông người dân các khu vực tỉnh lân cận hồ hởi đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên không hiểu lý do vì sao lại dừng hoạt động. Theo ông Phạm Văn Quyết , BV nghìn tỷ này đã đắp chiếu vài năm trời, bên trong hoang vắng, dần xuống cấp. Đợt dịch Covid-19, BV được thay đổi chức năng thành BV dã chiến điều trị bệnh nhân tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận. Nhưng sau khi dịch bệnh hết căng thẳng, BV tạm thời đóng cửa, được bảo vệ trông coi.

Còn anh Nguyễn Văn Long (TP Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, khi nghe tin đầu tư xây dựng hai BV Việt Đức, Bạch Mai tại đây anh cùng người dân Hà Nam vô cùng vui mừng, phấn khởi và trông đợi. “Chúng tôi đã rất chờ mong BV được đi vào hoạt động. Mỗi khi có người ốm thay vì phải lên Hà Nội cách xa hàng chục thậm chí hàng trăm km thì giờ chỉ cách gia đình tôi không xa. Nhiều người dân ở các tỉnh cũng đỡ khổ cực khi cơ sở ở Hà Nam sẽ giảm tải cho Hà Nội” – anh Nguyễn Văn Long nói. Anh Nguyễn Văn Long bày tỏ, việc 2 BV lớn, đầu tư hoành tráng bỏ hoang thực sự rất lãng phí. Đồng thời, người dân cũng vẫn tiếp tục khổ mỗi lần khăn gói lên Hà Nội khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Quốc tế thành “phế tích”

Kỳ 2: khi bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang

Khung cảnh hoang tàn của Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội dù đã được xây xong phần thô.

Ảnh: Duy Linh

Không được quy mô như BV Việt Đức, BV Bạch Mai cơ sở 2, việc BV Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bỏ hoang cũng khiến nhiều người dân mỗi lần phải “chạm” cửa BV lại ngán ngẩm thở dài.

Toạ lạc ở vị trí khá đắc địa, nhưng BV này không nổi tiếng là một địa chỉ khám chữa bệnh, mà lại nổi tiếng về sự hoang hoá, lãng phí. Trong thời buổi tấc đất, tấc vàng cùng với chuyện người dân ngột ngạt trong các hành lang BV chờ khám, chữa bệnh, thì một BV xây xong rồi để đấy trong lòng Thủ đô là một điều khó hiểu.

Ghi nhận thực tế tại BV này vào những ngày cuối tháng 7, bên trong tòa nhà BV vẫn còn chất đầy các vật liệu, mặc dù hoạt động xây dựng tại công trường dự án này đã dừng lại từ rất lâu. Phần sảnh chính của BV chưa được trát, nhưng hệ thống thang máy và các cửa kính xung quanh tòa nhà đã được lắp đặt xong. Ở công trình này, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp. Một số ô cửa kính đã vỡ, xung quanh BV cũng mọc nhiều cây, cỏ dại. Mặt sân phía trước BV cũng đã bị võng, gây đọng nước.

Bà Trần Thị Lan (ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời điểm xây dựng BV mặc dù không biết là của Nhà nước hay tư nhân, nhưng người dân ở đây đã rất mong chờ.

“Mặc dù ở gần đây đã có BV E, nhưng dù sao có 1 BV sát nhà cũng là một thuận lợi với người dân chúng tôi mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Thấy BV to đẹp là thế mà xây xong rồi để đấy thì quả thật rất lãng phí” – bà Trần Thị Lan nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, BV Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư số 181/GP ngày 20/1/1997. Dự án được khởi công xây dựng trên khu đất rộng 27.000m2, sức chứa 300 giường với số vốn lên tới 50 triệu USD, do Tập đoàn Keystone Invest (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư.

Tại Giấy phép điều chỉnh vào ngày 9/10/1998, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn y việc điều chỉnh tiến độ xây dựng, lắp đặt trang thiết bị BV theo tiến độ với thời gian hoàn thành việc xây dựng và lắp máy móc, trang thiết bị y tế là khoảng 2 năm.

Năm 2001, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 9.998m2 đất tại phường Nghĩa Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cho phép BV này thuê 8.540m2, quản lý 1.458m2 trong thời hạn 40 năm.

Do vướng khâu giải phóng mặt bằng, năm 2006 dự án mới được khởi công xây dựng. Ngày 27/7/2007, công trình bắt đầu thi công hạng mục cọc khoan nhồi và ép cọc. Đến ngày 1/9/2010 đã thi công xong phần kết cấu thô thân.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Chật chội, ngột ngạt ở bệnh viện lớn
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động