Thứ tư 07/08/2024 22:22
Tuổi trẻ Thủ đô giúp làng nghề chuyển hướng

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong không gian thâm trầm của những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi ẩn hiện phía sau bức tường đá ong, nền gạch đỏ là sắc màu du lịch nhộn nhịp của tour du lịch “Đêm làng cổ” tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).
Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Trình diễn múa rồng tại tour du lịch “Đêm làng cổ”. Ảnh: Mộc Miên

Khởi xướng từ tháng 5/2024, “Đêm làng cổ” đã “đánh thức” văn hóa cổ, thúc đẩy du lịch địa phương, giữ vững danh hiệu giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN được trao tặng cho làng cổ Đường Lâm hồi tháng 1/2024.

Sắc màu văn hóa ngoại thành Hà Nội

Nhịp sống thường ngày tại làng cổ Đường Lâm - ngôi làng cổ “độc nhất vô nhị” ở miền Bắc vẫn lưu giữ nét đẹp vốn có của mảnh đất xứ Đoài mây trắng. 18 năm được vinh danh, đây ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, làng cổ Đường Lâm hôm nay khoác lên diện mạo mới của điểm đến du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ.

Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 50km, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa làng cổ cùng trải nghiệm sản phẩm ẩm thực nông thôn độc đáo. Dạo quanh những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi với lối kiến trúc nhà gỗ, tường đá ong đặc trưng, nhấp ngụm trà xanh đãi khách, du khách tận hưởng không khí yên bình vùng quê Bắc Bộ.

Sau cánh cổng làng Mông Phụ rêu phong, sau bức tường đá ong thâm trầm nhuốm màu thời gian là hình ảnh người dân nơi đây quanh năm vần vũ với đồng ruộng, với những gánh lúa vàng mùa hạ. Mùi rơm vàng rải khắp đường làng, mùi nếp mới xốn xang trong những mẹt chè lam, bánh tẻ nổi tiếng… Ẩm thực xứ Đoài bình dị, thân thuộc chiều lòng du khách bốn phương. Du khách cảm nhận sự khác biệt về “đặc sản” đồng quê. Đó là thứ chè lam thơm lừng vị gừng, bánh gai dẻo bùi, kẹo lạc giòn ngậy… Đó còn là thịt quay đòn có lớp da giòn sần sật, gà mía ngọt mềm, cháo trai cháo hến, các loại chè nấu thủ công… Những món ăn tao nhã nhưng lại cầu kỳ trong chế biến, đòi hỏi những người thợ lành nghề trong việc giữ trọn hương vị. Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) năm 2024 diễn ra tại Lào, sản phẩm du lịch nông thôn bền vững: trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại Làng cổ Đường Lâm vinh dự được trao giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
"Đêm làng cổ" thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: T.P

Nhằm góp phần giữ vững danh hiệu quốc tế, khơi dậy những giá trị văn hóa làng cổ, tăng thêm trải nghiệm cho du khách khi tham quan làng cổ Đường Lâm và thị xã Sơn Tây, từ tháng 5/2024, tour du lịch “Đêm làng cổ” chính thức khởi động. Đây là sản phẩm du lịch mới do Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng UBND xã Đường Lâm và người dân tổ chức. Đều đặn mỗi tối thứ 7 hàng tuần, tại địa điểm tổ chức chính là cổng làng, các sản vật địa phương được chính người dân trong làng tự tay mang đến giới thiệu, bày bán. Món ăn ẩm thực đặc trưng của làng cổ như bánh chè lam, bánh gai, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh tẻ, bánh sắn, thịt quay đòn, gà mía… phục vụ nhu cầu khám phá ẩm thực từ làng của du khách.

Ngoài việc thưởng thức ẩm thực làng cổ Đường Lâm, người dân và du khách còn được xem trình diễn các loại hình dân gian truyền thống như: múa rồng, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ, nhảy sạp… do các thành viên CLB trong làng biểu diễn. Tại các không gian sáng tạo, người dân và du khách trải nghiệm làm tò he, tranh khắc gỗ, cùng hòa mình với điệu nhảy sạp truyền thống. Không khí vui tươi như một ngày hội làng mở cửa suốt quanh năm.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Không khí nhộn nhịp như lễ hội làng. Ảnh: T.P

Qua hơn hai tháng triển khai, “Đêm làng cổ” tạo dấu ấn đặc biệt cho du khách. Không dừng lại sản phẩm du lịch mới, hoạt động “Đêm làng cổ” còn hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ du lịch qua đêm khác, tạo sinh kế cho hơn 50 hộ dân tại địa phương. Đến nay, UBND xã Đường Lâm và Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đã kết nối với các resort, khu nghỉ dưỡng lân cận để đưa khách đến trải nghiệm sản phẩm mới này. Ước tính, mỗi hoạt động cuối tuần có hàng trăm khách lưu trú qua đêm.

Theo bà Phạm Thị Lệ Thủy - Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tour du lịch “Đêm làng cổ” là sản phẩm du lịch thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đêm của TP Hà Nội. Địa phương mong muốn tổ chức nhiều chương trình vào cuối tuần, phục vụ du khách lưu trú, quảng bá giới thiệu nét đẹp, đặc sắc làng cổ cùng với nét văn hóa riêng đồng bằng Bắc Bộ tới đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Kể từ ngày tổ chức “Đêm làng cổ”, cả làng lúc nào cũng sống trong những ngày vui như hội làng. Người dân từ già đến trẻ, nam thanh nữ tú, những gia đình nhỏ quây quần, xúng xính váy áo chuẩn bị cho các tiết mục trình diễn. Nụ cười, ánh mắt vui tươi tràn ngập không gian ngôi làng cổ. Nét đẹp sinh hoạt cộng đồng hiếm có của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Gian hàng quảng bá sản phẩm sơn mài, tranh khắc gỗ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP thu hút du khách tham quan "Đêm làng cổ". Ảnh: Mộc Miên

Nghệ nhân trẻ xứ Đoài và tình yêu với nghề sơn mài truyền thống

Là người có nhiều đóng góp ý tưởng, tổ chức thực hiện các hoạt động “Đêm làng cổ” - tour đêm ngoại thành đặc sắc Thủ đô hiện nay, đồng thời có gian hàng quảng bá sản phẩm sơn mài, tranh khắc gỗ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) tại nhà cổ, anh Nguyễn Tấn Phát (SN 1983, trú tại tổ 1, Ái Mỗ, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, hoạt động “Đêm làng cổ” đã mang lại lợi ích “kép”, vừa góp phần khơi dậy những giá trị văn hóa làng cổ, tăng thêm trải nghiệm cho du khách khi tham quan làng cổ Đường Lâm và thị xã Sơn Tây, đồng thời phát triển kinh tế đêm Hà Nội như dịch vụ lưu trú qua đêm, dịch vụ nhà hàng ăn uống và các dịch vụ khác tại làng cổ.

“Đến tham dự hoạt động, du khách dễ dàng tìm thấy những “đặc sản” địa phương tốt nhất có thể mua làm quà hoặc ăn uống. Có thể nói đây là nơi tập trung những gì tinh túy nhất của làng cổ Đường Lâm khi mang đến cho du khách. Hoạt động “Đêm làng cổ” có tính chất giống như chợ đêm như tôi biết thì ngoài nội thành Hà Nội chưa có địa phương ngoại thành nào làm được điều này” - nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát cho hay.

Thời điểm này, du lịch làng cổ bước vào những tháng thấp điểm, tuy nhiên tour du lịch “Đêm làng cổ” đã đáp ứng được rất nhiều mong chờ của người dân địa phương cũng như thu hút được nhiều du khách nội địa và nước ngoài. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP “made in Duong Lam” từ các nghệ nhân trong làng giới thiệu, trưng bày trở thành món quà tặng, quà biếu của các du khách xa, gần. Trong đó, sản phẩm OCOP của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng được trưng bày tại đây.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Du khách quốc tế trải nhiệm vẽ tranh sơn mài tại xưởng sản xuất của nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: Mộc Miên

Dưới bàn tay khéo léo của một người nghệ nhân trẻ, góc nhìn của một họa sĩ tài năng, anh Nguyễn Tấn Phát tái hiện hình ảnh về một làng cổ Đường Lâm thu nhỏ trong các biểu tượng mang hồn cốt xứ Đoài. Đó là các sản phẩm sơn mài, điêu khắc gỗ đa dạng mẫu mã, chủng loại. Từ hình dáng thân thuộc cổng làng Mông Phụ đến hình ảnh con trâu, các con vật trong bộ 12 con giáp,…

Trong giới nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được gọi với danh xưng “phù thủy sơn mài” khi từng có bộ sưu tập 1.000 tác phẩm rồng độc bản đón Tết xuân Giáp Thìn 2024, bộ sưu tập 2.022 độc bản con hổ, bộ sưu tập mèo độc bản… Sinh ra trong cái nôi nghệ thuật, có bố và ông nội là những thợ điêu khắc đã chắp cánh tình yêu nghệ thuật cho chàng trai trẻ Nguyễn Tấn Phát. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành hội họa sơn mài, anh Nguyễn Tấn Phát học thêm nghề thủ công mỹ nghệ trên phố cổ. Chàng trai trẻ lặn lội suốt 22 năm, về làng nghề sơn mài Hạ Thái học nghề. Khi đã có vốn nghề, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát quyết định khởi nghiệp tại quê hương.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đạt cúp giải thưởng do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng. Ảnh: Mộc Miên

Trong hành trình khởi nghiệp, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát là người khởi xướng lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí. Tính đến nay, anh đã có 14 năm tổ chức lớp học này và thu hút hàng nghìn người tham gia. Bên cạnh việc đào tạo, dạy nghề, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát còn mở hoạt động “Phat Studio” nơi trưng bày các sản phẩm sơn mài đặc sắc, không gian chụp ảnh, trải nghiệm trực tiếp về nghề điêu khắc sơn mài hấp dẫn cho du khách. Những sản phẩm sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đều mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách, quảng bá hình ảnh và giá trị của di tích làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát phối hợp với Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đón tiếp khách du lịch, riêng năm 2023 đón khoảng hơn 10 vạn khách.

Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (đứng ngoài cùng bên phải) chụp kỷ niệm với các bạn nhỏ trải nghiệm tại xưởng sản xuất sơn mài. Ảnh: Mộc Miên

Trong sự kiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm sơn mài, điểm thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu.

Chia sẻ về vai trò của người trẻ Thủ đô giúp làng nghề chuyển hướng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho rằng, người trẻ có tinh thần nhạy bén, linh hoạt áp dụng kiến thức và công nghệ mới giúp nội dung sản phẩm được truyền tải nhanh hơn, xa hơn, hiệu quả hơn. Những đóng góp của tuổi trẻ Thủ đô chính là nguồn động lực lớn để phát triển các làng nghề, giúp cho làng nghề hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với cuộc sống.

(còn nữa)

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động