Thứ sáu 22/11/2024 03:08
Tuổi trẻ Thủ đô giúp làng nghề chuyển hướng

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng nghề rèn truyền thống Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) từng được mệnh danh “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” vẫn lưu giữ được nét đẹp vốn có ngôi làng cổ Bắc Bộ. Con đường làng quanh co thấp thoáng bóng cây đa, đình làng, miếu cổ… Nếp làng trong phố vẫn được những người trẻ gìn giữ như sức sống của làng nghề ngót nghét hàng trăm năm tuổi.
Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”

Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) giới thiệu sản phẩm dao Đa Sỹ tại mô hình

"Gian hàng thanh niên". Ảnh: Mộc Miên

LTS: Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại vẫn có những người trẻ Thủ đô dành tình yêu gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc. Họ chọn hướng đi mới để khoác diện mạo mới cho sản phẩm làng nghề truyền thống, làm sống lại những sản phẩm làng nghề tưởng chừng đã bị mai một. Đằng sau lò rèn đỏ lửa của làng nghề rèn Đa Sỹ, sau bức tường đá ong thâm trầm làng cổ Đường Lâm, sau những đầm sen ngút ngàn sắc sen Tây Hồ… là tinh thần tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô tô điểm sắc màu du lịch làng nghề Hà Nội hôm nay.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện.

Có dịp đến tham quan làng nghề rèn Đa Sỹ, từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng vang rền tiếng đe, tiếng búa. Dọc phố Đa Sỹ là hàng chục cửa hàng bày bán sản phẩm dao, kéo đủ loại, kích cỡ. Đa phần những cửa hàng kinh doanh mở ra do các hộ gia đình vừa sản xuất, vừa bày bán. So với các sản phẩm dao, kéo trên thị trường, sản phẩm dao, kéo Đa Sỹ khác lạ mẫu mã, chất lượng sản phẩm, được đánh giá bền, đẹp. Trước đây, sản phẩm nghề rèn vang danh khắp trong Nam, ngoài Bắc và từng được thương lái về tận làng mua hàng. Cả làng lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng đe, tiếng búa. Trải qua quá trình đô thị hóa, làng nghề rèn khó tránh khỏi những thăng trầm. Từ thời điểm cả làng có gần 1.000 hộ làm nghề rèn, nay còn khoảng 70% số hộ làm nghề. Phần vì công việc nghề rèn vất vả, độc hại không hấp dẫn người trẻ, phần vì sản phẩm làng nghề khó cạnh tranh với thị trường.

Thế nhưng vẫn có trường hợp nặng lòng với nghề truyền thống, “bỏ phố về quê”, quyết tâm làm sống dậy làng nghề đang dần mai một. Đó là tấm gương của anh Lê Ngọc Lâm (SN 1982, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Với khát vọng giữ lửa nghề truyền thống quê hương, năm 2016, anh Lê Ngọc Lâm đã có quyết định đầy bản lĩnh, bỏ vị trí Giám đốc công ty xây dựng tư nhân để về “tay đe, tay búa” phát triển, sáng tạo sản phẩm làng nghề dao kéo truyền thống. Bởi nỗi niềm trăn trở nếu không giữ nghề, không có lớp trẻ kế cận, nghề rèn Đa Sỹ sớm bị mai một.

Nhiều đêm trăn trở với bài toán học nghề, anh Lê Ngọc Lâm tự đặt câu hỏi: “Có những người bỏ công lặn lội cả đời mới tìm cho mình một nghề phù hợp, trong khi quê mình có sẵn nghề truyền thống, tại sao không bám nghề để phát triển?”. Thế rồi anh quyết định đánh đổi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến để trở về quê hương khoác áo thợ rèn. Quyết định của anh Lê Ngọc Lâm vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình. Ban đầu, nhiều người hồ nghi bởi không tin rằng, từ một vị trí luôn có xe ô tô đưa đón hàng ngày, ngồi phòng điều hòa mát rượi, anh Lê Ngọc Lâm sẵn sàng ngồi hàng giờ trước lò than nóng, tay đe, tay búa, gương mặt lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi để học việc. Sự kiên trì, nhẫn nại của chàng trai trẻ cuối cùng cũng thuyết phục những người thợ giỏi trong làng truyền nghề.

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”

Nghệ nhân trẻ Lê Ngọc Lâm thực hiện công đoạn luyện phôi thép để tạo sản phẩm dao truyền thống Đa Sỹ.

Ảnh: NVCC

Vốn thông minh, chịu khó, anh Lê Ngọc Lâm học việc rất nhanh. Những kỹ thuật nghề rèn được anh vận dụng vào quá trình sản xuất. Nhờ có sự hậu thuẫn từ gia đình, anh Lê Ngọc Lâm dần hiện thực hóa ước mơ trở thành chủ xưởng rèn. Sau 8 năm khởi nghiệp, cơ sở của nghệ nhân trẻ Lê Ngọc Lâm đã có khoảng 8 máy dập cùng nhiều máy hỗ trợ khác, đáp ứng cho 8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày.

Sản phẩm của gia đình anh Lê Ngọc Lâm tại làng nghề rèn Đa Sỹ thường xuyên được Hiệp hội làng nghề Hà Nội cử đại diện tham dự quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ làng nghề, trưng bày sản phẩm truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành. Xưởng sản xuất Lâm Ánh (là tên ghép của vợ chồng anh Lê Ngọc Lâm) được lựa chọn đại diện làng nghề rèn Đa Sỹ không chỉ bởi chất lượng sản xuất, trình độ tay nghề mà còn phát huy tấm gương của chàng trai 8X với khát vọng giữ lửa nghề truyền thống quê hương.

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”

Sản phẩm dao từ xưởng sản xuất Lâm Ánh - đại diện nghề thủ công truyền thống Hà Nội tham dự

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024. Ảnh: Mộc Miên

Chung tay cùng người dân “giữ lửa” sản phẩm làng nghề, từ năm 2022, Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng gồm 800 bạn trẻ cùng nhau khởi xướng mô hình “Gian hàng thanh niên” nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm dao truyền thống, kết hợp quảng bá sản phẩm đến các địa phương và bạn bè quốc tế. Mô hình “Gian hàng thanh niên” được xây dựng kiốt tại cổng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Kiến Hưng. Khu vực thuận tiện trong việc giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm dao chất lượng của làng nghề rèn Đa Sỹ kết hợp với mặt hàng nông sản rau củ quả sạch của nông trang xanh.

Với diện tích khoảng 20m2, gian hàng trưng bày tất cả sản phẩm nghề rèn Đa Sỹ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm của làng nghề truyền thống. Đặc biệt, các sản phẩm dao được đặt hàng, làm thủ công dưới bàn tay của các nghệ nhân trong làng nên chất lượng sản phẩm tốt, giá thành phù hợp. Bằng sự nhạy bén, linh hoạt của tuổi trẻ, các phiên livestream và bán hàng online đã quảng bá nghề rèn Đa Sỹ, tiêu thụ sản phẩm làng nghề cho bà con. Dịp tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, sản phẩm dao Đa Sỹ có thời điểm “cháy hàng”, ghi nhận hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc bày bán trực tiếp tại cửa hàng “Gian hàng thanh niên”, sản phẩm của làng nghề được bán online trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo chị Lê Thùy Linh - Bí thư Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng, phát triển mô hình “Gian hàng thanh niên” với mong muốn có nhiều giải pháp để tham gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Một mặt, giúp thanh niên nắm vững chuyên môn về kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Mặt khác, giúp thanh niên phát huy tốt sở trường, năng khiếu, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030. Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, “Gian hàng thanh niên” đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và bảo tồn phát huy giá trị làng nghề truyền thống.

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”
Các sản phẩm dao làng nghề Đa Sỹ được bạn trẻ giới thiệu, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo... để tiếp cận đông đảo khách hàng về sản phẩm truyền thống quê hương. Ảnh: Mộc Miên

Ấp ủ giấc mơ làng nghề du lịch, đón khách nước ngoài

Ngoài ý tưởng mô hình “Gian hàng thanh niên”, chị Lê Thùy Linh - Bí thư Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng hiện đang ấp ủ kế hoạch “Tour du lịch 0 đồng” nhằm phát huy tiềm năng du lịch của làng nghề hàng trăm năm tuổi. Làng nghề Đa Sỹ không chỉ nổi tiếng nghề rèn truyền thống hàng trăm năm tuổi mà còn giữ được “nếp làng” trong quá trình đô thị hóa. Đó là nét văn hóa đặc sắc của ngôi làng cổ Bắc Bộ với địa danh miếu cổ thờ danh y Hoàng Đôn Hòa – người được mệnh danh là “Lương Y Dược Đại vương” nổi tiếng với 208 bài thuốc hữu hiệu và chùa Đa Sỹ. Hiện nay, ngôi chùa vẫn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, hệ thống bia đá và án gian thời Lê cùng chiếc chuông đồng lớn niên đại từ thời Tây Sơn.

Theo kế hoạch công tác năm 2024, Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch, công trình mang màu sắc thanh niên, thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ Thủ đô. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị làng nghề truyền thống, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Các hoạt động nhằm đóng góp thiết thực trong triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” thực chất đi vào cuộc sống, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

“Sắp tới, mô hình “Gian hàng thanh niên” tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội tiktok để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nghề rèn Đa Sỹ. Cùng với đó là hoạt động kết hợp giới thiệu sản phẩm bánh của thanh niên khuyết tật thuộc Hội Người khuyết tật TP Hà Nội” - chị Lê Thùy Linh chia sẻ.

Đặc thù nghề rèn trải qua nhiều công đoạn gia công thủ công, các nguyên liệu sử dụng là sắt, thép nên phát sinh các vấn đề ô nhiễm trong quá trình đột đập, hàn… Đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” của hơn 800 đoàn viên, thanh niên, là một đảng viên trẻ, chị Lê Thùy Linh huy động các đoàn viên tham gia tuyên truyền tới người dân trong các tổ dân phố trong việc giữ gìn môi trường, mỹ quan đô thị.

Hiện, làng nghề rèn Đa Sỹ tới có khoảng 20 thợ giỏi. Trong số đó, anh Lê Ngọc Lâm là thợ giỏi của làng, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.

8 năm khởi nghiệp gặt hái những thành công nhất định, điều trăn trở lớn nhất hiện nay làm sao phát triển được làng nghề, mang lại thu nhập tốt cho bà con, để mọi người sống được với nghề. Một trong những định hướng là phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch, trải nghiệm.

Mô hình du lịch trải nghiệm được gia đình anh Lê Ngọc Lâm triển khai khoảng hơn năm nay. Xưởng sản xuất thường xuyên đón lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách được trải nghiệm các công đoạn mài dao bằng máy, tự tay mài chiếc dao ưng ý, khắc tên mình lên sản phẩm lưu niệm. Nhiều khách Tây bị “mê hoặc” với tiếng đe, tiếng búa của lò rèn Đa Sỹ và cảm phục sự vất vả của những người thợ rèn.

Bằng tình yêu của những người con đất Hà thành, những người trẻ như anh Lê Ngọc Lâm, chị Lê Thùy Linh và 800 đoàn viên, thanh niên của Đoàn thanh niên phường Kiến Hưng không ngừng tìm tòi, sáng tạo các mô hình, tìm hướng đi mới phát triển làng nghề truyền thống, lan tỏa vẻ đẹp của nghề thủ công truyền thống và gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương.

(còn nữa)

Mỗi người trẻ là “đại sứ văn hóa” của Hà Nội Mỗi người trẻ là “đại sứ văn hóa” của Hà Nội
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: nguồn lực quan trọng cho phát triển Thủ đô Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: nguồn lực quan trọng cho phát triển Thủ đô
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động