Kỳ 1: Chật chội, ngột ngạt ở bệnh viện lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững gương mặt mệt mỏi vì chờ đợi của người nhà bệnh nhân trước cửa Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: Duy Linh |
Vạ vật chờ khám bệnh
Kéo cậu con trai cao lòng khòng trên chiếc xe lăn, chị Trần Thị Lan (quê Nam Định) gần như có mặt đầu tiên khi các phòng tại khoa khám bệnh, BV Bạch Mai kết thúc giờ nghỉ trưa. Đi cùng mẹ con chị là chị gái chị, “đi để hỗ trợ hai mẹ con lúc cần thiết” - chị cho hay. Đang loay hoay thì có một nhân viên y tế đến nói với chị gì đó, khuôn mặt đang mệt mỏi ánh lên nét vui mừng. Quay lại chỗ phóng viên ngồi, chị giải thích: “Bác kia bảo với tình trạng của con trai tôi thì sẽ không để phải chờ, được ưu tiên vào gặp bác sĩ trước”.
Vừa loay hoay chỉnh lại chân cho cậu con trai chị vừa kể, gia đình chị đi xe riêng từ Nam Định lên Bạch Mai từ 6h30 phút sáng. Sáng đến chụp chiếu, khám xét, trong lúc chờ kết quả thì mấy mẹ con lại kéo nhau sang BV Tai Mũi Họng để khám tiếp.
“Cháu vừa bị gãy xương bánh chè vừa có vấn đề về mũi họng, nên chúng tôi đẩy cháu hết bên này đến bên kia. Sáng khám xét chụp chiếu ở Bạch Mai xong sang Tai Mũi Họng đến tận 12h trưa. Mấy mẹ con bác cháu nghỉ ngơi, ăn uống rồi giờ quay lại BV Bạch Mai để lấy kết quả và chờ phác đồ điều trị…” - chị Trần Thị Lan nói. Khi được hỏi sao chị không khám ở BV tỉnh cho đỡ vất vả và tốn kém, chị bảo: “Thôi cứ lên Bạch Mai cho yên tâm, chứ ở BV tỉnh không tin tưởng cho lắm”.
Còn về BV Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam, chị Trần Thị Lan bảo, ở đó chỉ thấy xây dựng chứ không thấy có bác sĩ, y tá nào làm việc. Đi qua lại nơi đó thấy bỏ hoang đến mấy năm rồi. “Nếu BV chỗ đó hoạt động thì chúng tôi đến đó cho tiện, chứ chắc cũng không phải lên tận Hà Nội” – chị Trần Thị Lan cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hùng (ở Hà Nam) loay hoay đưa bà ngoại lên hành lang để tránh cơn mưa bất chợt buổi chiều. Vừa giữ cho bà khỏi ướt, vừa giữ cho tập giấy tờ nguyên vẹn, khi thấy chiếc ô phóng viên đưa cho, anh vội cảm ơn rồi mệt mỏi ngồi xuống dưới chân người bà.
Anh bảo, hôm nay anh đưa bà lên BV Bạch Mai tái khám. Anh cho biết, để kịp giờ khám buổi sáng, 4h sáng anh phải thuê xe lên đây. Bà ngoại anh vốn bị gan, thận. Cách đây hơn 1 tháng có cấp cứu và điều trị tại BV Bạch Mai, sau khi ổn, bác sĩ cho ra viện và về tiếp tục theo đơn. “Hơn 5h sáng đã đến BV Bạch Mai để xếp hàng chờ khám. Nhưng đông đúc, loay hay mãi đến cả sáng cũng chưa xong” – anh Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (ở Bắc Giang) cầm hồ sơ bệnh án bất lực ngồi giữa đám đông, ông mệt mỏi cho biết, đây là lần thứ 2 ông đến BV Bạch Mai khám bệnh. “Lần nào cũng vậy, lên sớm hay muộn cũng chịu cảnh xếp hàng, chờ đợi vì bệnh nhân đến khám quá đông. Cho dù bác sĩ ở đây thăm khám rất nhiệt tình nhưng do quá đông nên tôi phải mất đến 2 ngày mới làm xong các xét nghiệm chỉ định” – ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết.
Đi khám bệnh ở Hà Nội chỉ để yên tâm hơn
Người dân xếp hàng chờ vào khu Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Ảnh: Duy Linh |
Không khác gì so với BV Bạch Mai, ngay từ đầu giờ sáng, tại các khoa, phòng khám bệnh và chụp chiếu của BV Hữu Nghị Việt Đức đã đông nghịt người. Tại dãy nhà C - khu khám bệnh theo yêu cầu, người dân xếp hàng dài để làm thủ tục, những hàng ghế chờ gần như không còn chỗ trống. Nhiều người quá mỏi đã tìm kiếm những chỗ có thể đặt mông để chờ đợi. Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay không quá nóng, nhưng trong khu vực này, hơi người vẫn hầm hập, oi bức.
Ngồi chờ bên ngoài khu nhà D, chị Nguyễn Thị Hương (quê Hải Dương) thẫn thờ đứng nhìn dòng người ra, người vào ở khu khám bệnh phía đối diện. Chị cho biết, bố chồng chị bị tai nạn do bị xe máy đâm. Tay chân chỉ xây xước, nhưng lại chấn thương vùng đầu nên chị đưa ông lên để ghép mô.
“Tháng trước ông đã lên phẫu thuật và nằm ở đây 7-10 ngày rồi. Nhưng đợt ấy chỉ nuôi cấy mô ghép, nay đủ điều kiện gia đình lại đưa ông lên để tiếp tục phẫu thuật…”- chị Nguyễn Thị Hương kể. Theo chị, ca phẫu thuật diễn ra vào ngày mai, nhưng nay phải lên từ sáng để làm thủ tục nhập viện.
Như có người trò chuyện để đỡ sốt ruột chờ đến lượt, chị Nguyễn Thị Hương tâm sự, kể ra thì lên Việt Đức vừa xa xôi, tốn kém lại vất vả. Bởi mỗi lần lên chỉ có 1 người lên cùng ông, còn người ở nhà vẫn phải đi làm, vẫn phải trông nom nhà cửa, con cái. Thực ra nhà chị cũng có người quen làm ở BV đa khoa tỉnh Hải Dương và người này cũng bảo đưa cụ ông đến để điều trị. Tuy nhiên nghĩ bệnh tình nặng nên gia đình đã đưa thẳng từ tuyến huyện lên BV Việt Đức. Theo chị, chi phí điều trị có đắt hơn so với ở tuyến dưới nhưng gia đình cũng chấp nhận để đổi lấy sự yên tâm.
Cũng câu chuyện tương tự như chị Nguyễn Thị Hương, anh Nguyễn Văn Dũng (quê Vĩnh Phúc) chia sẻ, anh đưa người thân lên BV Hữu nghị Việt Đức để thay khớp háng. Anh cho biết, mấy năm trước người nhà cũng đã thay khớp háng ở BV Việt Đức 1 lần. Tuy biết là BV đa khoa tỉnh cũng có thể thực hiện được kỹ thuật này nhưng do ở BV tỉnh không có khớp để thay nên gia đình lại đưa lên BV Hữu nghị Việt Đức dù cho chi phí thay thế đắt hơn khoảng vài chục triệu. “Vạ vật trên này cũng mệt lắm chứ, cứ nhìn người trong khoa khám bệnh thì biết. Người vào người ra nườm nượp, mặc dù đến từ rất sớm nhưng cũng có khi đến giữa trưa mới đến lượt người nhà tôi vào làm thủ tục. Đó còn chưa tính những ngày tiếp tục ở BV để chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật…” – anh Nguyễn Văn Dũng nói.
Cùng cảnh đông đúc, xếp hàng để chờ khám tại các BV Nhi TƯ, BV Phụ sản TƯ… là những gương mặt mệt mỏi, sốt ruột vì chờ đợi ở các BV tuyến trên…
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại