4 lý do để tòa tuyên bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối với bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX nhận định, căn cứ vào lời khai của bị cáo và tài liệu thể hiện, HĐXX nhận thấy rằng:
Thứ nhất, ngày 15-10-2010, HĐQT PVN ra Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2, trong đó có nội dung “PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế…”.
Như vậy, nghị quyết hội đồng thành viên PVN đã nêu rõ, muốn thực hiện dự án thì PVC phải thành lập liên danh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất làm Tổng thầu EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Lời khai của bị cáo Thăng thể hiện, bị cáo cũng thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu thông qua HĐTV.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời HĐXX, ảnh: TTXVN |
Thứ 2, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, cũng như do sức ép công việc nên bị cáo Thăng đã chỉ đạo ký kết Hợp đồng số 33 trái quy định.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khai, tại thời điểm ký kết, Hợp đồng 33 dự án NMNĐ chưa có căn cứ pháp lý, chưa đủ điều kiện để ký kết Hợp đồng EPC nhưng bị cáo chỉ đạo phải nhanh chóng ký Hợp đồng số 33 là do thời điểm này, Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực chỉ đạo yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký hợp đồng EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2 trước ngày 28-2-2011, điều này phù hợp với lời ông Vũ Huy Quang, nguyên TGĐ PVPower.
PVPower đã báo cáo bị cáo Đinh La Thăng tại Công văn số 3492, 3564, 3769 về việc, để có thể ký kết hợp đồng thì phải mất khoảng 5-6 tháng và chỉ có thể ký kết hợp đồng vào trung tuần tháng 6-2011 nhưng bị cáo Thăng vẫn yêu cầu phải ký hợp đồng trước ngày 28-2-2011 để khởi công dự án vào ngày 1-3-2011.
Đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Thăng đã được báo cáo và biết rõ phải đến tháng 6-2011 mới có đủ hồ sơ để ký kết Hợp đồng EPC dự án NNNĐ Thái Bình 2 nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng trái quy định.
Thứ 3, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận chỉ đạo tạm ứng vốn 10% cho PVC trong khi tài liệu thể hiện Hợp đồng EPC số 33 PVC thiếu nhiều nội dung quan trọng không có cơ sở để tạm ứng.
Tại tòa, ông Vũ Huy Quang khẳng định, trong cuộc họp tại PVN ngày 31-3-2011, ông đã báo cáo với bị cáo Thăng và toàn thể lãnh đạo PVN là hợp đồng có nhiều thiếu sót, chưa đủ cơ sở pháp lý, cần phải ký lại; lời khai này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương về việc đã trực tiếp báo cáo bị cáo Đinh La Thăng tại phòng làm việc về việc BQL dự án không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC vì việc tạm ứng không phù hợp với quy định tại Nghị định số 48.
Thứ 4, PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký kết Hợp đồng số 33 và Hợp đồng số 4194 khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng vốn trái phép là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền ngay lập tức một cách quyết liệt và vội vã cho doanh nghiệp không đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn là trái pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
Như vậy, bị cáo là người đứng đầu PVN đã có hành vi chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 khi biết rõ PVC không có đủ năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để làm tổng thầu dự án này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại