5 điểm đặc biệt sau một tuần xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhiên tòa không vành móng ngựa!
Từ ngày 1-1-2018, các phòng xét xử không còn những chiếc vành móng ngựa, đó là quy định mới của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Thay cho vành móng ngựa là bục khai báo của bị cáo. Đây có thể nói là bước tiến bộ trong tổ chức hình thức của một phiên tòa xét xử các vụ án hình sự.
Ngoài ra, vị trí của đại diện VKSND và vị trí của người bào chữa được đặt ngang nhau, chứ không đặt vị trí của đại diện VKSND cao hơn như trước đây. Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và đồng phạm cũng là phiên xử đầu tiên áp dụng theo quy định mới này. Bị cáo Đinh La Thăng đứng trước bục để trình bày với HĐXX của TAND TP Hà Nội. Từ sự thay đổi trên cho thấy, quyền con người được đặt lên trên hết. Không một ai được coi là có tội trước khi HĐXX chưa ra phán quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Bị cáo hầu tòa mà không phải đứng sau vành móng ngựa. |
Lần đầu tiên điều tra viên được triệu tập đến tòa!
Cũng theo Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, tòa triệu tập điều tra viên tham gia tố tụng. Tại phiên xử này, luật sư đã hỏi điều tra viên: “Cáo trạng quy buộc về hành vi khai báo không thành khẩn. Tôi là người đang bào chữa cho bị cáo, muốn hỏi điều tra viên có bằng chứng gì để cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC – PV) quanh co, không thành khẩn?”.
Điều tra viên đáp: “Thưa HĐXX, thưa các luật sư, trong quá trình hỏi cung các bị can, CQĐT trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng ý chí của các bị can và thực hiện đúng các quy trình được pháp luật TTHS quy định. Sau khi hỏi cung bị can thì cho bị can đọc biên bản, sửa biên bản theo đúng nội dung bị can khai. Chúng tôi kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội bởi thực tế với chứng cứ và lời khai khác, ngay trong phần thẩm vấn tại phiên tòa hai ngày hôm nay đã thể hiện được lời khai của các bị cáo khác về hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, với nội dung lời khai của Trịnh Xuân Thanh trong hồ sơ vụ án thể hiện Trịnh Xuân Thanh không xác nhận những nội dung này. Chúng tôi tôn trọng lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh, không ép buộc gì bị can nhưng nội dung lời khai thể hiện trong hồ sơ...”.
HĐXX ngắt lời, đề nghị điều tra viên trả lời ngắn gọn, không trả lời về quá trình ghi lời khai của các bị can. Điều tra viên trả lời tiếp, những lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với sự thật của vụ án. Điều tra viên kết luận, Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội.
Cặp vợ chồng cùng hầu tòa vì “giúp” ký hồ sơ khống!
Đó là Nguyễn Thành Quỳnh, GĐ Kỹ thuật công nghệ, Tổng Cty CP miền Trung – Cty CP (Đà Nẵng) và bị cáo Lê Thị Anh Hoa, GĐ Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa. VKSND TC cáo buộc, Lương Văn Hòa, nguyên GĐ BĐH Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, PVC, đã móc nối với Quỳnh lập, ký khống hồ sơ thi công, hoàn công, nghiệm thu 4 hạng mục để Hòa rút hơn 13 tỷ đồng từ BĐH dự án Vũng Áng – Quảng Trạch. Quỳnh cùng vợ là bị cáo Lê Thị Anh Hoa, GĐ Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa được ăn chia gần 1 tỷ đồng. Sau đó đã dùng gần 1,2 tỷ đồng nộp thuế. Hành vi của Quỳnh, Hoa phạm vào tội “Tham ô tài sản”. Quá trình điều tra, bị cáo cùng vợ tự nguyện khắc phục hết hậu quả.
Trả lời câu hỏi luật sư, Nguyễn Thành Quỳnh nói, Cty của vợ chồng bị cáo là Cty nhỏ ở vùng núi Quảng Bình, chuyên cung cấp đá cho dự án Vũng Áng. Giữa năm 2011, PVC Nghệ An nợ tiền cung cấp vật liệu của bị cáo và Lương Văn Hòa nhờ lấy pháp nhân của Cty ký hợp đồng khống. Bị cáo thấy rằng, phía Cty bị cáo không ảnh hưởng gì, nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước là được nên bị cáo nhận lời Hòa. “Anh khai, Cty Quỳnh Hoa, anh mới là người quản lý điều hành. Vợ chỉ đứng tên?” – luật sư hỏi, bị cáo Quỳnh một lần nữa thừa nhận. “Những việc về kỹ thuật, vợ tôi hoàn toàn không biết, chỉ như thủ quỹ trong nhà thôi. Tôi bảo ký gì thì ký đó” – Quỳnh nói. Quỳnh nhận tội về mình và cho rằng, vợ không biết gì về hợp đồng khống. 4 hạng mục công trình khống đều do BĐH lập và ký sẵn, Cty Quỳnh Hoa không tham gia lập khống.
Trong khi đó, trả lời tòa, Hoa tỏ ra dè dặt. Bị cáo cũng khai rằng, không biết là hợp đồng khống, chồng và anh Hòa đều không nói với bị cáo. “Tôi là người đứng tên nhưng mọi quản lý, hoạt động đều do anh Quỳnh thực hiện” – lời Hoa.
Thấy phiền khi Trịnh Xuân Thanh nhắc đi nhắc lại ân tình xưa!
Về việc có hay không việc lập quỹ tại PVC để lo lễ, Tết, đối nội, bị cáo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó TGĐ PVC trả lời, việc lập quỹ không ra văn bản và các chứng cứ khác, chỉ có bị cáo Thanh trao đổi miệng. Minh khẳng định, có chỉ đạo của Thanh cho bị cáo bằng mệnh lệnh tại các cuộc giao ban. Tuy nhiên đối chất ngay tại tòa thì bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận các lời khai của bị cáo trên. Nhắc tới Minh, bị cáo Thanh lại kể ra mối thân tình giữa hai người. “Tôi coi Minh là người em trong gia đình. Với Minh tôi quý” – bị cáo Thanh. “Anh có bao giờ chỉ đạo em lập quỹ không Minh” – bị cáo Thanh quay sang bên cạnh hỏi thì Minh đáp: “Có”.
Sau phần trả lời của bị cáo Thanh, bị cáo Minh giãi bày rằng, từ ngày hôm qua đến nay, Trịnh Xuân Thanh nhắc tới nhiều lần về việc coi bị cáo em và bị cáo không muốn. Minh thấy rằng, quá trình quan hệ, làm việc bị cáo trân trọng tình cảm của Thanh và gia đình Thanh. Nhưng bị cáo nghĩ rằng, đó là quan hệ bạn bè. Giờ ra tòa là vi phạm pháp luật thì cần phải khách quan.
Bị cáo xin ý kiến với HĐXX, cho dù tình cảm của bị cáo dành cho Thanh hơn bị cáo Thuận nhưng không thể khai khác được. “Việc bị cáo làm, bị cáo chịu trách nhiệm. Tình cảm với Thanh sâu nặng nhưng tôi không thể khai khác" - lời Minh. Nguyên Phó TGĐ PVC cũng không không phủ nhận số tiền 2 tỷ đồng đã nhận và cảm thấy phải khai thành khẩn.
Cấp dưới bị ông Đinh La Thăng “ép”
Bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên GĐ ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, PVC, khai rằng, không biết các nơi khác như thế nào nhưng ở PVC có một mệnh lệnh hành chính là khi đã giao nhiệm vụ bằng miệng, nếu không làm thì không được.
Bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN, luật sư Lê Đình Ứng, phát biểu, Sơn bị cáo buộc, biết Hợp đồng 33 là trái pháp luật nhưng vẫn ký cấp tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Từ đó giúp Trịnh Xuân Thanh cùng thuộc cấp đã sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Ông Ứng nói, dự án NMNĐ Thái Bình 2 có trước khi Sơn là Phó TGĐ PVN. Do đó, cựu Phó TGĐ này không biết Hợp đồng 33 ký trái luật, Sơn cũng không tham giam đàm phán, chỉ định thầu. Việc hơn 1.115 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích, luật sư cho rằng đó là trách nhiệm của PVC. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi cố ý làm trái của bị cáo Sơn. Trình bày về áp lực của Sơn khi làm việc với ông Đinh La Thăng, luật sư phát biểu rằng, như Sơn nói, với tính cách, con người của bị cáo Thăng là phải “làm ngay”, mong tòa xem xét.
Bào chữa cho bị cáo Lê Đình Mậu, cựu Phó trưởng ban Kế toán - kiểm toán PVN và Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng PVN, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, các bị cáo có nhiều lời khai về việc, thời điểm đó, ông Đinh La Thăng tỏ ra quyết liệt, làm cho bằng được NMNĐ Thái Bình 2. Bị cáo Khánh, Sơn từng bị mắng nếu không triển khai sớm. Luật sư trình bày, Quỳnh biết rõ Hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên dọa "không làm thì đứng sang một bên" nên vẫn phải tuân thủ.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN cho rằng, cũng cho rằng, không cần tới sự giúp đỡ của bị cáo Khánh để chỉ đạo cấp dưới thực thi công việc. "Việc chỉ đạo không đến lượt bị cáo Khánh, trong khi đã có HĐTV ra nghị quyết. Về mặt thực tiễn, ông Đinh La Thăng không cần sự giúp sức, hỗ trợ của ai để chỉ đạo cả", luật sư Nguyễn Chiến trình bày.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại