Chủ nhật 28/04/2024 19:07
Nỗ lực vì cuộc sống của người khuyết tật trở nên tốt đẹp hơn:

Kỳ cuối: Phát triển hệ thống phục hồi chức năng để người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2023, ngành y tế nhiều tỉnh thành đẩy mạnh kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) để người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng.
Kỳ cuối: Phát triển hệ thống phục hồi chức năng để người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng
Một chương trình tập huấn về PHCN tại Khoa PHCN (BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị). Ảnh: B.V

Tháng 5/2023, Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng... Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện chương trình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình thực hiện.

Tại Quảng Nam, ngành y tế cũng xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm cũng như bảo đảm và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng.

Ngày 10/10, Sở Y tế Quảng Nam phối hợp với Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các nội dung như: những khó khăn, thách thức trong việc triển khai dự thảo kế hoạch nhằm củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN; tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm; bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng qua đó phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật; giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, cải thiện cuộc sống người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại tỉnh Đồng Tháp, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác PHCN của địa phương, tỉnh tập trung triển khai các nội dung, như: Tuyên truyền giáo dục cho người dân về khuyết tật, phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ khuyết tật; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý các tuyến: đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ phụ trách chương trình phục hồi chức năng dựa vào công đồng tại các trạm y tế xã; tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em dưới 6 tuổi để phát hiện sớm – can thiệp sớm khuyết tật; xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo về khuyết tật; hỗ trợ dụng cụ cho người khuyết tật; xây dựng nâng cấp cơ sở điều trị chuyên sâu cho người khuyết tật tại tuyến tỉnh: xưởng dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật chỉnh hình tại tỉnh.

Tại tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị Lê Nguyên Hồng cho biết tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật tỉnh. Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị hướng đến xây dựng hoàn thiện hệ thống chăm sóc, giúp đỡ, phát triển đời sống cho người khuyết tật; cung cấp dịch vụ phục hồi, phúc lợi cho nạn nhân bom mìn, chất độc da cam và cải thiện quyền của người khuyết tật; tạo cơ hội để người khuyết tật ở Quảng Trị và các tỉnh lân cận được tiếp cận dễ dàng với các hoạt động chuyên sâu dành cho người khuyết tật.

Dự án có diện tích đất sử dụng 10.000 m2, được xây dựng tại phường Đông Lương, TP Đông Hà. Tổng vốn đầu tư dự án trên 293 tỷ đồng (gần 12,5 triệu USD), trong đó vốn do KOICA viện trợ không hoàn lại gần 278 tỷ đồng (khoảng 11,8 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.

PGS.TS Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội PHCN cho biết hiện các cơ sở khám, chữa bệnh mới chỉ đáp ứng từ 15-20% nhu cầu PHCN của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng, nhưng hiện nay hoạt động này chưa được quan tâm và phát triển để đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ PHCN chỉ đạt khoảng 40% trong khi nhu cầu về PHCN sẽ tiếp tục gia tăng.

Theo PGS.TS Trần Trọng Hải, trong thời gian tới, Hội PHCN đặt ra mục tiêu ngoài phát triển các kỹ thuật cao chuyên sâu về phục hồi chức năng, cần phải phát triển, đào tạo phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã để hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân tập cho người thân của mình, như bố mẹ hoặc con cái tập cho cha mẹ, để giải quyết 70-80% nhu cầu còn lại. PGS.TS Trần Trọng Hải nhấn mạnh mục đích cuối cùng là người khuyết tật được hòa nhập, trẻ em khuyết tật được học hành, vui chơi, người lớn khuyết tật được sinh hoạt thuận tiện trong gia đình, xã hội và có việc làm.

Kỳ 1: Giải pháp “Khung tam giác tập đi/đứng cho trẻ khuyết tật” được vinh danh Kỳ 1: Giải pháp “Khung tam giác tập đi/đứng cho trẻ khuyết tật” được vinh danh
Kỳ 3: Phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật Kỳ 3: Phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật
Kỳ 2: Định hướng giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật Kỳ 2: Định hướng giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật
Kỳ 4: Những thách thức cần vượt qua Kỳ 4: Những thách thức cần vượt qua
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động