Thứ năm 09/05/2024 03:55

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước trong 3 ngày, bác sĩ khuyến cáo biện pháp phòng tránh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đầu hè, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua.
Liên tiếp 3 trẻ đuối nước trong 3 ngày, bác sĩ khuyến cáo biện pháp phòng tránh
Bé H.T đang được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Trường hợp đầu tiên là bé H.T (2 tuổi, Hà Nội), bé sang chơi nhà hàng xóm trong lúc mẹ bận làm việc và không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2 mét không có rào chắn xung quanh. Sau 8 phút ngã xuống hồ, bé mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Bé được nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu. Sau 10 phút, bé H.T đã có tim trở lại nhưng không tỉnh, lơ mơ và được chuyển đến Bệnh viện huyện đặt nội khí quản, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Hai trường hợp tiếp theo là bé N.K (12 tuổi, Hà Nội) và bé A.T (11 tuổi, Mộc Châu) đều bị đuối nước khi đi tắm ở ao, suối cùng bạn bè. Khi được đưa lên bờ, cả hai trẻ đều đã ngừng tim, ngừng thở và được người dân sơ cứu theo phương pháp dân gian sai lầm bằng cách dốc ngược và chạy. Sau 15 phút cấp cứu, tim và nhịp thở của hai bé đã trở lại nhưng vẫn trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo ThS.BS Lê Nhật Cường - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cả 3 bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn. Các bé được áp dụng các biện pháp điều trị như hỗ trợ chức năng đa tạng, lọc máu liên tục, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, sử dụng thuốc trợ tim, hạ thân nhiệt bảo vệ não.

Sau 3 ngày điều trị, bé N.K và A.T đã tỉnh, tự thở và có thể ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các bé vẫn cần theo dõi lâu dài vì nguy cơ di chứng thần kinh. Riêng trường hợp bé H.T, do tiên lượng nặng nề, bé vẫn đang trong giai đoạn hạ nhiệt độ bảo vệ não, theo dõi chặt chẽ, kiểm soát chức năng cơ quan và sẽ được đánh giá mức độ tỉnh, chức năng thần kinh toàn diện khi qua giai đoạn nặng.

Dù đã được cảnh báo nhiều lần, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn liên tục xảy ra, tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách bằng dốc ngược nạn nhân chạy vẫn xảy ra.

Để ngăn chặn và hạn chế tối đa đuối nước ở trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo: các xô, chậu, chum chứa nước phải được đậy nắp, tránh xa tầm tay trẻ em; có rào chắn an toàn cho ao, hồ, giếng khơi để đảm bảo trẻ nhỏ không tự ý đi vào.

Thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và có nhân viên cứu hộ được huấn luyện tại các khu vực bơi công cộng.

Người chăm sóc trẻ phải luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn từ lớp 1.

Hướng dẫn trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm, không đùa nhau khi bơi.

Cần tuyên truyền, phổ biến các biện pháp sơ cấp cứu đuối nước đúng cách cho người dân.

Tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu cơ bản cho cộng đồng để thay đổi thực hành và tránh những động tác sai khi cấp cứu.

Bé gái 11 tuổi dũng cảm cứu sống em trai
Cần dừng ngay hành động này khi cấp cứu trẻ đuối nước
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động