Chủ nhật 28/04/2024 04:08

Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen Tuyên Quang là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Trong những năm qua, bệnh viện đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật, góp phần giúp họ hòa nhập cộng đồng và phát triển toàn diện.
Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng. Ảnh: B.L

Đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong những năm qua, Bệnh viện đã không ngừng đầu tư đồng bộ các trang thiết bị PHCN hiện đại, như: máy điện từ trường toàn thân, máy sung điện, máy điều trị sóng sung kích, máy siêu âm nhiệt nóng lạnh, điện phân, siêu âm điều trị, tử ngoai, hồng ngoại, laser nội mạch, laser quang châm, máy tập nhược thị… Đồng thời, bệnh viện cũng đã phát triển một số kỹ thuật PHCN chuyên sâu, như: kỹ thuật nắn chỉnh bàn chân khèo bằng phương pháp ponceti, làm chân giả, ngôn ngữ trị liệu, điều trị cho trẻ em bị tự kỷ, câm điếc bẩm sinh…

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên trực tiếp làm công tác PHCN. Hàng loạt cán bộ y bác sỹ, kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyên sâu và được cử đi tham gia các lớp tập huấn theo từng chuyên ngành cụ thể.

Cùng với đó, bệnh viện cũng đã xây dựng chương trình đào tạo liên tục cho đội ngũ cán bộ y tế, nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng mới trong lĩnh vực PHCN. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện đã nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu công tác PHCN.

Triển khai hiệu quả công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Theo ThS.BS Phạm Trọng Thuật, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Tuyên Quang về triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số, sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho tỉnh và sự hỗ trợ trực tiếp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cùng với sự tâm huyết, quyết liệt triển khai công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) của Bệnh viện PHCN Hương Sen, đến nay, tổng số người khuyết tật được quản lý tại cộng đồng ở 138 xã/phường là 45.000 người; tổng số người khuyết tật có nhu cầu cần hỗ trợ là 22.500 người, chiếm 50% người nghi ngờ khuyết tật có nhu cầu phục hồi.

Các xã đã khám chuyên khoa tổng hợp những người khuyết tật có nhu cầu cần hỗ trợ ở các nhóm khuyết tật để xây dựng kế hoạch trợ giúp trong những năm tiếp theo. 100% các Trạm Y tế xã có sổ quản lý theo dõi tình hình người khuyết tật, có phiếu thông tin người khuyết tật theo mẫu chung của Bộ Y tế, các xã được phát bộ tài liệu hướng dẫn về PHCNDVCĐ của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, hàng năm, bệnh viện đều tổ chức đào tạo, cập nhật lại kiến thức cho các nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế xã, huyện phụ trách Chương trình PHCNDVCĐ về cách phát hiện sớm, can thiệp sớm người khuyết tật, trong đó lựa chọn một số chuyên đề cơ bản như: bại não, liệt nửa người, rối loạn phổ tự kỷ, cong vẹo cột sống…

Mỗi năm, Bệnh viện đều tổ chức tập huấn cho từ 2 - 3 huyện, thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn, các học viên đã được bổ sung thêm kiến thức để phát hiện cũng như tư vấn chuyển tuyến bệnh nhân cho phù hợp.

Công tác PHCNDVCĐ đã giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật, từng bước xã hội hóa công tác phục hồi chức năng và giúp người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ PHCN.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công tác PHCN cho người khuyết tật tại Bệnh viện PHCN Hương Sen vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Theo Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Trần Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN Hương Sen, trung bình mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 350 bệnh nhân điều trị, trong đó trẻ em nhi chiếm khoảng 90% số người bệnh đang điều trị tại viện. Trong khi bệnh viện chỉ có 40 nhân viên y tế, gồm có 9 bác sĩ, 27 kỹ thuật viên, còn lại là cán bộ khác đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên y tế không chỉ có chuyên môn vững, mà còn phải có lòng yêu thương và sự kiên trì, nhẫn nại. Với nhu cầu khám, chữa bệnh, PHCN của người bệnh ngày càng cao, bệnh viện rất cần có thêm nhân lực để đáp ứng, nhất là bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực PHCN.

Ngoài ra, công tác PHCNDVCĐ là lĩnh vực mới đối với cán bộ y tế cơ sở, công tác PHCN chưa được xã hội hóa cao, mạng lưới cán bộ làm công tác PHCN tại cộng đồng (y tế xã) phải kiêm nhiệm nhiều việc; cán bộ phụ trách chương trình thay đổi liên tục nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc.

Tuy nhiên, công tác này chưa được quan tâm đúng mức tại các trạm y tế xã. Bởi lẽ, tiêu chí đánh giá điểm cuối năm về phục hồi chức năng rất thấp (1 điểm) trong khi đó việc hướng dẫn tập luyện tại cộng đồng mất rất nhiều thời gian nhưng không có kinh phí hỗ trợ của chương trình này đối với y tế thôn bản.

Hiện nguồn kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện còn thiếu nhiều, không có nhân lực chuyên trách phụ trách công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng.

Để nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tiếp tục làm tốt công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; Nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng; Tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đặc biệt là tuyến cơ sở; Nâng cao năng lực chuyên môn, tư vấn, hướng dẫn phục hồi chức năng cho cán bộ y tế.

Bằng những nỗ lực không ngừng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật, góp phần giúp họ hòa nhập cộng đồng và phát triển toàn diện.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật
Đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác phục hồi chức năng còn thiếu
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động