Thứ ba 07/05/2024 22:46

Hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mặc dù nhu cầu phục hồi chức năng là rất lớn, thế nhưng một số địa phương đã sáp nhập phục hồi chức năng với các cơ sở khác. Trong đó có 10 địa phương đã sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền, làm giảm số lượng bệnh viện phục hồi chức năng.
Hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật
TS Vũ Văn Hoàn - Viện Chiến lược và chính sách y tế - cho biết, tại Việt Nam ước tính có khoảng 20 triệu người khuyết tật. Trong khi đó hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật. Ảnh: TP

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu phục hồi chức năng lớn. Ước tính có 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật, hiện có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Dân số già hóa, mô hình bệnh tật, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch COVID-19… làm gia tăng số người cần phục hồi chức năng.

Nhu cầu về phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng do mô hình bệnh tật đang chuyển đổi với đa gánh nặng về các bệnh mãn tính, bệnh không lây và chấn thương. Cùng với đó là tình trạng gia tăng đáng lo ngại về tai nạn thương tích. Sau 4 năm (2012 – 2015), số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng đã tăng từ 1,2 đến 1,4 lần, nhất là tổn thương về tủy sống.

Không chỉ thế, Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất ở châu Á. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,9% (năm 2019). Tuổi thọ ở nước ta đạt ở mức cao so với các nước có cùng mức thu nhập nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa cao. Đồng thời, những tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kỹ thuật y học giúp phát hiện sớm, cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nên số lượng cần phục hồi chức năng cũng sẽ nhiều hơn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất còn chật hẹp, nhiều cơ sở phục hồi chức năng chưa tiếp cận được với người khuyết tật, thiếu sự kiểm soát chất lượng và các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

TS Vũ Văn Hoàn - Viện Chiến lược và chính sách y tế - cũng cho rằng phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo ước tính của WHO thì có tới 10 - 15% là người khuyết tật. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 20 triệu người khuyết tật. Trong khi đó hệ thống phục hồi chức năng tại bệnh viện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật. Nguyên nhân do vị trí địa lý xa bệnh viện hoặc do kinh tế. Có tới 80% người khuyết tật sống ở cộng đồng, vì vậy cần đẩy mạnh mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tức là phục hồi chức năng đến tận gia đình, cán bộ y tế có thể chuyển giao kỹ thuật, trình độ đến tận gia đình, người thân người khuyết tật. Ví dụ bố mẹ bị tai biến, khuyết tật thì con cái có thể tập cho cha mẹ. Như vậy mới tăng cường việc phục hồi chức năng có hiệu quả đến người dân có nhu cầu.

Bộ Y tế đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030, 90% các tỉnh thành triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

Tuy nhiên, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất đa số còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở phục hồi chức năng chưa tiếp cận với người khuyết tật: chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới 0,25 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân, trong khi WHO khuyến cáo là 0,5-1 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân.

Hiện nay, đã có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số lượng bệnh viện phục hồi chức năng. Thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành khác quản lý; các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình; kinh phí thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa bố trí hoặc nếu có thì rất ít địa phương bố trí kinh phí, nhất là công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng….

Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn và cấp bách phát triển ngành phục hồi chức năng, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4039/QĐ về Kế hoạch Quốc gia về phát triển phục hồi chức năng Việt Nam. Kế hoạch này bao gồm nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực ngành phục hồi chức năng với mục tiêu: 100% các trường đại học chuyên ngành y, 50% các trường cao đẳng, trung cấp y tế công lập có đào tạo về phục hồi chức năng và có khoa hoặc bộ môn phục hồi chức năng; 100% các khoa hoặc bộ môn phục hồi chức năng có nội dung đào tạo các chức danh chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, cử nhân vật lý trị liệu, ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, hoạt động trị liệu... Chính vì thế, trong các năm gần đây, các trường đại học y trên cả nước hầu hết đều đào tạo về bác sĩ định hướng phục hồi chức năng.

Cả nước hiện có 3 cơ sở đào tạo bác sĩ chuyên phục hồi chức năng (Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) với số lượng ước tính khoảng gần 100 người/năm.

Ngoài ra còn có 7 cơ sở đào tạo cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng (Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, Đại học Phenikaa, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Đại học Y tế công cộng) với số lượng tuyển sinh hàng năm là 430 người. Trong đó, trường Đại học Y tế công cộng là trường công lập duy nhất hiện nay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chính thức tuyển sinh từ năm học 2020-2021, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế vì sự phát triển của ngành Đại học Việt Nam.

Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động