Bác sĩ chia sẻ câu chuyện thực tế về tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe tâm thần
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Tại hội thảo “Thuốc lá điện tử - Nguy hiểm khôn lường với giới trẻ”, ThS.BS Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ về câu chuyện của một bệnh nhân nam 26 tuổi, nhân viên văn phòng, người đã phải nhập viện vì rối loạn tâm thần sau khi lạm dụng thuốc lá điện tử kết hợp với cần sa.
Khởi nguồn của câu chuyện bắt đầu từ một cuộc cãi vã của bệnh nhân với vợ cách đây 5 tháng. Hậu quả của mâu thuẫn này là việc vợ bệnh nhân quyết định về nhà ngoại và nộp đơn ly hôn. Trước tình huống này, bệnh nhân rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần nghiêm trọng, không còn khả năng tập trung làm việc, mất ngủ triền miên với chỉ 3-4 giờ ngủ mỗi đêm, ăn uống kém và hoàn toàn thu mình khỏi các mối quan hệ xã hội.
Để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm.
Đáng chú ý, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện, từ thời là học sinh cấp III, bệnh nhân đã bắt đầu hút thuốc lá như một cách để giải tỏa áp lực học tập. Khi lên đại học, bệnh nhân chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử. Ban đầu chỉ là thử nghiệm nhưng dần dần trở thành thói quen thường xuyên. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối năm đại học khi bệnh nhân bắt đầu trộn cần sa vào thuốc lá điện tử để đối phó với những buồn chán trong chuyện tình cảm.
Sau khi ra trường và làm việc tại một công ty tư nhân, áp lực công việc và KPI khiến bệnh nhân tiến tới sử dụng thuốc lá điện tử pha cần sa với tần suất 20-25 lần mỗi ngày. Hậu quả là những rối loạn tâm thần nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện: mất ngủ, cáu giận thường xuyên và có hành vi đập phá đồ đạc.
May mắn là sau 4 ngày điều trị tích cực tại viện, kết hợp giữa điều trị bằng thuốc, can thiệp tâm lý và tư vấn gia đình, tình trạng của bệnh nhân đã có những cải thiện đáng kể. Tâm trạng tích cực hơn, giấc ngủ và ăn uống đều đặn hơn, và đặc biệt là sự hợp tác tích cực trong quá trình điều trị.
BSCKII Vũ Văn Hoài - Phòng Sử dụng chất và Y học Hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh về mối nguy hiểm đang gia tăng của thuốc lá điện tử trong giới trẻ. Theo bác sĩ, nhiều người trẻ bị thu hút bởi hương vị của thuốc lá điện tử, hoặc với hy vọng đây là phương tiện giúp cai thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những tác hại nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Đặc biệt nguy hiểm là việc thuốc lá điện tử chứa nicotine dạng lỏng với nồng độ cao, có thể gây ngộ độc đe dọa tính mạng. Sử dụng nicotine kéo dài không chỉ dẫn đến nghiện mà còn gây ra nhiều triệu chứng cai nghiện nghiêm trọng như nhức đầu, trầm cảm, lo lắng, thèm ăn bất thường và giảm khả năng tập trung.
Một điều đáng lo ngại khác là thuốc lá điện tử thường trở thành bước đệm dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện nguy hiểm hơn, đặc biệt là cần sa. Theo số liệu thống kê, người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ sử dụng cần sa cao gấp 3,5 lần so với người bình thường.
Trước những nguy cơ không thể xem nhẹ này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với thuốc lá điện tử. Khi phát hiện người thân có dấu hiệu lệ thuộc vào thuốc lá điện tử và có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, gia đình nên nhanh chóng đưa họ đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế nhất quán quan điểm đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng | |
Đã đến lúc nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại