Thứ năm 02/05/2024 06:55

Nhờ sơ cứu đúng cách, bé trai 11 tuổi thoát khỏi nguy cơ cắt cụt bàn tay sau tai nạn sinh hoạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị kịp thời cho bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do bị mảnh kính vỡ cứa vào, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.
Nhờ sơ cứu đúng cách, bé trai 11 tuổi thoát khỏi nguy cơ cắt cụt bàn tay sau tai nạn sinh hoạt

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật vi phẫu cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo lời kể của mẹ bé, vào trưa ngày 9/4, trong lúc chơi cùng các bạn ở lớp, bé trai không may bị va vào tủ kính đựng tài liệu học tập khiến cửa kính vỡ ra và các mảnh kính cứa vào cổ tay hai bên. Ngay lập tức, bé được các cô giáo sơ cứu ban đầu bằng cách băng ép cầm máu và đưa đến trạm y tế xã. Sau đó, bé được chuyển đến bệnh viện tuyến huyện rồi Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại thời điểm nhập viện, do được sơ cấp cứu tốt nên vết thương của trẻ không còn chảy máu. Tuy nhiên, các ngón bàn tay trái của trẻ không còn cử động được. Sau khi mở băng cấp cứu kiểm tra vùng cổ tay trái của bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất nghiêm trọng: đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Nhận thấy tình trạng tổn thương nghiêm trọng và nguy cơ hoại tử bàn tay trái nếu không được phẫu thuật kịp thời, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đã thành công, nối lại động mạch, thần kinh và các gân gấp bị đứt.

Sau phẫu thuật, các ngón tay của bé đã hồng ấm trở lại và có thể cử động tương đối tốt. Dự kiến bé sẽ được ra viện trong vài ngày tới và sẽ được tập vật lý trị liệu sau 4 tuần để phục hồi chức năng bàn tay.

Theo BS.CKII Lê Tuấn Anh - Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm, tại khoa Chỉnh hình - Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như: vùng cổ, cổ tay, cổ chân… gây đứt động mạch, tĩnh mạch khiến trẻ bị chảy máu trầm trọng, gây nguy hiểm tính mạng.

Để phòng tránh các tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh, bên cạnh việc giáo dục và tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ, ai cũng cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu. Mục đích của việc sơ cứu nhằm cầm máu hoặc khống chế sự chảy máu cho trẻ, phòng hoặc điều trị sốc và tránh các biến chứng như nhiễm khuẩn… có thể xảy ra.

Tai nạn sinh hoạt nguy hiểm: bé trai 7 tuổi vỡ khí quản trong lúc chơi đùa
Bé gái 23 tháng tuổi bỏng 44% do bếp ga mini phát nổ
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động