Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự và chủ trì Hội nghị. Ảnh: Cục QLKCB Bộ Y tế |
Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế 63 tỉnh/thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các Bộ, ngành và các Hội, tổ chức của/vì người khuyết tật.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, phục hồi chức năng (PHCN) là một trong các lĩnh vực không thể thiếu được của hệ thống y tế hoàn chỉnh. PHCN là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính khiến hoạt động chức năng bị hạn chế; đảm bảo người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục, công bằng để nâng cao sức khỏe và phát triển xã hội bền vững.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cục QLKCB Bộ Y tế |
Trong nhiều năm qua, công tác phục hồi chức năng (PHCN) được Quốc hội, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quan tâm, chú trọng đầu tư và phát triển nên đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đến nay, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về PHCN & PHCN dựa vào cộng đồng đã cơ bản hoàn thiện; hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn về PHCN & PHCN dựa vào cộng đồng; tổ chức hệ thống, mạng lưới, nhân lực, năng lực PHCN ngày càng được củng cố và phát triển; các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người dân và trợ giúp người khuyết tật ngày càng được tăng cường và phát huy hiệu quả.
Hiện tổ chức mạng lưới PHCN củng cố và phát triển từ trung ương đến địa phương gồm: 2 bệnh viện/trung tâm PHCN tuyến trung ương; 38 bệnh viện PHCN tuyến tỉnh và 25 bệnh viện PHCN thuộc các Bộ ngành, trong đó bệnh viện thuộc Bộ LĐTB&XH chiếm phần lớn; 550 khoa PHCN thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện.
Có trên 9.000/11.000 xã phân công cán bộ theo dõi công tác PHCN; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ PHCN tại xã và PHCN dựa vào cộng đồng. Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng phát triển và nâng cao. Dịch vụ PHCN được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe (CSSK); Hiện tại, Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề PHCN cho 2.431 cá nhân. Trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên. Số liệu từ hệ thống đào tạo chính quy cho thấy có khoảng 7.200 người được đào tạo về PHCN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất đa số còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở PHCN chưa tiếp cận với người khuyết tật: chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực PHCN còn thấp so với thế giới (0,25 cán bộ PHCN/10.000 dân), trong khi Tổ chức y tế khuyến cáo là 0,5-1 cán bộ PHCN/10.000 dân.
Ngoài ra, hiện tại đã có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số lượng Bệnh viện phục hồi chức năng. Thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành khác quản lý;
Các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình;
Kinh phí thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa bố trí hoặc nếu có thì rất ít địa phương bố trí kinh phí, nhất là công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…..
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn của hệ thống PHCN, ngày 1/11/2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư là cơ sở quan trọng để Bộ Y tế triển khai xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cục QLKCB Bộ Y tế |
Tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức có liên quan nghiên cứu và triển khai các nội dung để triển khai hiệu quả Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, chỉ đạo triển khai Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ. Đối với địa phương, đề nghị đưa các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Chương trình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghiên cứu, bám sát quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ ngành địa phương, cơ quan đơn vị mình để xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phù hợp (Bộ Y tế đã có công văn 4560/BYT-KCB ngày 20/7/2023 hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch).
Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Chương trình này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện tại địa phương.
Chỉ đạo UBND các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng.
Tổ chức, theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình. Định kỳ hằng năm, gửi báo cáo theo hướng dẫn về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người có công |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại