Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo xin xem xét lại tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Trương Mỹ Lan kháng cáo xin xem xét lại tội danh |
Theo đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan trình bày nhiều nguyên nhân khách quan trong việc tham gia tái cơ cấu SCB dẫn đến có rủi ro, nhưng bị cáo không chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Bà Lan cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh. TAND TP Hồ Chí Minh đang tập hợp các đơn kháng cáo có liên quan đến vụ án nêu trên.
Trước đó, ngày 11/4, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là tử hình. Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử (HĐXX) buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỷ đồng, vì bản chất bị cáo sử dụng toàn bộ số tiền này; tuyên bị cáo Lan phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Tòa nhận định, thực chất bị cáo Lan là chủ SCB, có quyền điều hành cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan không chỉ chi phối về tài chính mà còn chi phối cả nhân sự của SCB. Dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hóa đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.
Trước đó, ngày 11/4, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình. HĐXX cũng tuyên phạt 4 án chung thân với 4 bị cáo, gồm 3 cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB: bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) (trốn truy nã, xét xử vắng mặt), Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) tội “Nhận hối lộ” 5,2 triệu USD.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Times Square, quốc tịch Hồng Kông) bị tuyên phạt 9 năm tù; Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, cháu ruột bị cáo Lan) bị tuyên phạt 17 năm tù. Các bị cáo còn lại, HĐXX tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù. Trong đó, có 17 bị cáo được HĐXX tuyên án treo và trả tự do ngay tại tòa, nếu các bị cáo không bị tạm giam vì tội phạm khác.
Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan CA xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD mà bị cáo Lan nhận từ SCB để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm rõ các sai phạm liên quan (nếu có) để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 DN lớn nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động "hệ sinh thái" DN khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần gần như tuyệt đối, cộng thêm việc cài cắm nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, bà Lan nắm quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng, dù không đứng tên trong thành phần ban lãnh đạo.
Từ năm 2012 - 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng ngàn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỷ đồng.
Trong số thiệt hại trên, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh.
Từ việc đề nghị tuyên án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan: trường hợp nào không áp dụng? | |
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại