Thứ sáu 27/09/2024 12:21

Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục hầu tòa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, SN 1956, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần (Cty CP) Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 33 người khác bị xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới ”.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục hầu tòa

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: N.H

Theo cáo trạng, bà Lan thành lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Lan nắm giữ 60% vốn tại DN này, hai con gái bà Lan nắm giữ 20% và Cty CP Emerald nắm 20%; bà Trương Huệ Vân làm Đại diện theo pháp luật.

Từ năm 2018 đến 2020, Ngân hàng SCB (bà Lan là cổ đông lớn nhất, nắm quyền điều hành) khó khăn tài chính nên bà Lan chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng SCB, Cty chứng khoán Tân Việt và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng Cty An Đông và một số Cty khác phát hành trái phiếu để huy động vốn từ người dân.

Được bà Lan cho chủ trương và chỉ đạo, lãnh đạo chủ chốt các Cty nêu trên đã họp bàn, lên phương án tạo lập; thông qua Cty Tân Việt và Ngân hàng SCB phát hành trái phiếu và chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng vốn của 4 Cty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) với khối lượng 308 triệu trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, để lừa đảo hơn 35.000 nhà đầu tư, thu về hơn 30.000 tỷ đồng.

Số tiền thu được không được sử dụng đúng mục đích phát hành là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư mà các đối tượng đã rút tiền và sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến không có nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi khi đến hạn. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, tháng 10/2022, 4 Cty nêu trên còn dư nợ tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng chi trả.

Ngoài việc phát hành trái phiếu khống, thu hàng chục ngàn tỷ, bị cáo Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc vận chuyển trái phép số tiền hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022, dưới sự chỉ đạo của bà Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phối hợp cùng nhân viên ngân hàng SCB chuyển tiền, nhận tiền trong nước ra quốc tế và ngược lại. Có 21 Cty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với số tiền 1,5 tỷ USD. Có 21 Cty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam trái quy định với số tiền 3 tỷ USD.

Đa số việc chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận của phía Việt Nam về việc Cty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng, thiếu chứng nhận hợp pháp lãnh sự hoặc các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam còn thiếu trường thông tin về chuyển tiền bị hệ thống tự động khóa... Tuy nhiên, những người có thẩm quyền tại Ngân hàng SCB vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Bị cáo Lan còn được xác định là chủ mưu, cầm đầu, tổ chức cho 8 bị cáo khác thực hiện "rửa tiền" với tổng số hơn 445.000 tỷ đồng.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 19/10.

Vụ Vạn Thịnh Phát: bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình
Từ việc đề nghị tuyên án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan: trường hợp nào không áp dụng?
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình
N.N
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động