Từ việc đề nghị tuyên án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan: trường hợp nào không áp dụng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: N.H |
Bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu
Theo cơ quan công tố, quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại tòa, mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không nhận tội nhưng căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của những bị cáo khác đã có đủ cơ sở xác định, bị cáo Lan phạm vào 3 tội danh “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như cáo trạng quy kết.
Trong vụ án, VKSND nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện chuỗi hành vi phạm tội. Bị cáo phạm tội nhiều lần, tội danh đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong thời gian dài, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, phạm tội 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo không tỏ ra ăn năn hối cải mà quanh co, đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền. Hành vi bị cáo tạo dư luận xấu trong xã hội, dư luận xấu với quốc tế. Từ những nhận định đó, VKSND cho rằng, cần có hình phạt nghiêm trị, loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, đề nghị HĐXX tuyên mức án chung cho 3 tội danh là tử hình.
Trường hợp nào không áp dụng án tử hình?
Việc VKSND đề nghị mức án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan khiến dư luận xôn xao và bàn tán. Nhiều người thắc mắc, vậy với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì trường hợp nào sẽ không áp dụng án tử hình. Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư Hà Nội, theo Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh Quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Còn tại khoản 3, Điều 40 tiếp tục quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. “Việc thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự năm 2015 cho thấy tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Việt Nam” – luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết.
Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Thị Yến, luật cũng quy định trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành. Với các trường hợp trên hoặc khi người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Trong phần các tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội: tội “Cướp tài sản” (Điều 168); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193); tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249), tội “Chiếm đoạt trái phép chất ma túy” (Điều 252); tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh Quốc gia” (Điều 303); tội “Chống mệnh lệnh” (Điều 394) và tội “Đầu hàng địch” (Điều 399).
Trong đó, có 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: tội “Buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”; tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; tội “Chiếm đoạt chất ma túy”. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bãi bỏ tội “Hoạt động phỉ được quy định tại” Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt tử hình từ đó cũng được xóa bỏ. Như vậy, số các tội còn áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 2015 giảm xuống 18, chiếm 5,7% tổng số điều luật trong Bộ luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại