Trách nhiệm khắc phục hậu quả nếu bị cáo bị tử hình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: N.H |
Người thân của người phạm tội không có nghĩa vụ bồi thường thay
Ngày 11/4, phiên sơ thẩm xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác đã kết thúc sau 1 tháng xét xử và nghị án kéo dài. TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tử hình về tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt là tử hình. Đồng thời, căn cứ vào khấu trừ phần nghĩa vụ của một số bị cáo khác đã hoàn trả cho bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Lan gây ra gần 673.850 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB.
Nếu bản án có hiệu lực pháp luật mà tuyên bị cáo Lan án tử hình, ai sẽ là người có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại thay cho bị cáo Lan? Về việc này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, trong vụ án hình sự mà người phạm tội có gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự nếu xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của bị hại. Đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và là trách nhiệm của chính người gây ra thiệt hại. Trong trường hợp người phạm tội không tự nguyện bồi thường hoặc không có điều kiện để bồi thường thì người thân của người phạm tội không có nghĩa vụ bồi thường thay cho người phạm tội. “Trong trường hợp mà người phạm tội không tự nguyện bồi thường, cũng không có thân nhân thực hiện thay thì theo đó, người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để tự nguyện thi hành án” – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng. Trường hợp hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự 2008.
Cơ quan Thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để thực hiện việc bồi thường dân sự bao gồm: khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Cơ hội thoát án tử hình?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, việc khắc phục thiệt hại có thể giúp bà Lan thoát khỏi án tử hình. Điều này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, tại điểm c, khoản 3, Điều 40 của luật này quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu như người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng dẫn chứng, trước đó, trong nhiều vụ án hình sự, các bị cáo đã “thoát” án tử nhờ khắc phục hậu quả. Cụ thể như cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh, bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Nguyễn Duy Linh bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận tiền tỷ từ Phan Văn Anh Vũ, bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt cao nhất về tội "Nhận hối lộ" với mức 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại phiên tòa ngày 6/11/2021, bị cáo Linh xin cùng gia đình nộp lại số tiền 5 tỷ đồng đã nhận hối lộ. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đã đề nghị HĐXX ghi nhận sự thành khẩn, tự giác nộp lại khoản tiền bất hợp pháp và cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, nhận mức án ở dưới khung hình phạt. Cuối phiên xét xử, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Một trường hợp khác là cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, tháng 5/2018, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra phán quyết, tuyêt phạt y án tử hình với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Tuy nhiên sau phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Sơn đã khắc phục hơn 3/4 số tiền. Vì vậy Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định giảm hình phạt cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank xuống mức án chung thân. Nhưng sau đó, nhiều người bất ngờ khi luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiết lộ thông tin một doanh nhân sẵn sàng cho vay 32 tỷ đồng để cứu bị cáo Sơn khỏi án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng.
Vụ Vạn Thịnh Phát: bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình | |
Từ việc đề nghị tuyên án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan: trường hợp nào không áp dụng? | |
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại