Thứ hai 25/11/2024 19:09
Câu chuyện hòa giải:

Mất tình xóm giềng từ việc xây dựng ống thoát nước thải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Mỗi khi chứng kiến cảnh bà con lối phố cãi vã vì tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội hay mâu thuẫn ngay từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến tôi không khỏi trăn trở, tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng dốc sức hơn nữa trong công việc đem niềm vui đến với mỗi gia đình, giữ bình yên cho phố phường” – ông Nguyễn Văn Hoà, Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Tổ trưởng tổ hoà giải tổ dân phố Chiến Thắng (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Cần mẫn với công việc lặng lẽ, đầy cao quý của mình suốt 12 năm qua, ông Nguyễn Văn Hoà (bên phải)  đã góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết, giữ bình yên cho khu phố, cụm dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Ảnh: Văn Biên
Cần mẫn với công việc lặng lẽ, đầy cao quý của mình suốt 12 năm qua, ông Nguyễn Văn Hoà (bên phải) đã góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết, giữ bình yên cho khu phố, cụm dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Ảnh: Văn Biên

Nhà ông Công và ông Thịnh ở kề sát nhau. Năm 2018, ông Công có xây dựng một ngôi nhà cấp 4 để làm nơi sản xuất đậu phụ. Trong quá trình xây dựng, ông Công đã xây dựng ống thoát nước thải chảy ra nhà ông Thịnh nhưng chưa được sự đồng ý của ông Thịnh. Vì quá bức xúc nên gia đình ông Thịnh có hành vi gây cản trở, không cho gia đình ông Công xây dựng. Hai gia đình lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn, gây mất trật tự trong lối phố.

Sau khi nắm bắt được vụ việc, ông Hòa cùng một số thành viên tổ hòa giải đã đến tận từng gia đình để tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn. Qua tìm hiểu, tổ hòa giải xác định như sau:

Mâu thuẫn nảy sinh giữa ông Công và ông Thịnh phát sinh từ việc xây dựng ống thoát nước thải. Đây là mâu thuẫn giữa những người cùng sử dụng chung hệ thống R3 và thuộc lĩnh vực dân sự.

Nguyên nhân là do gia đình ông Công có xây dựng một ngôi nhà cấp 4 ở phía sau nhà ông Thịnh dùng để sản xuất đậu phụ. Trong quá trình xây dựng, ông Công chưa hiểu hết các quy định của pháp luật nên sử dụng không đúng hệ thống thoát nước R3 và việc xử lý nước thải chưa đúng quy định. Ông Thịnh có sang góp ý thì ông Công không chịu khắc phục, sửa chữa. Hai bên lại có lời qua tiếng lại nên xảy ra xô xát, gây mất trật tự trong khu dân cư.

Tổ hòa giải căn cứ vào Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Điều 251 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.

Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

Điều 8 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải quy định như sau về sự tham gia của cộng đồng: thực hiện chức năng giám sát về đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc đấu nối vào hệ thống thoát nước theo quy định. Phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước.

Điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP2014 quy định tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước có nghĩa vụ xả nước thải vào hệ thống thoát nước đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Sau khi xác định được mâu thuẫn, lĩnh vực pháp luật điều chỉnh, ông Hòa cùng một số thành viên trong tổ hòa giải đã đến từng hộ gia đình giải thích, tuyên truyền các quy định của pháp luật, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng bên. Sau đó 5 ngày, tổ hòa giải mời hai bên gia đình đến nhà văn hóa Tổ dân phố để tiến hành hòa giải.

Tại phiên hòa giải, ông Hòa đã phân tích cho ông Công biết hệ thống R3 là hệ thống sử dụng chung, ông Công phải có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ môi trường chung. Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, việc làm của ông có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với ông Thịnh, khi phát hiện sự việc ông nên báo cáo với các cơ quan chức năng, không nên có lời qua tiếng lại làm mất tình đoàn kết khu phố.

Ông Hòa động viên hai gia đình nên giữ “tình nghĩa xóm làng”, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, không vì việc nhỏ mà làm mất đi tình cảm của hai gia đình từ trước đến nay. Ông cha ta có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; “Tối lửa tắt đèn có nhau”.

Nhận thấy tổ hòa giải phân tích thấu tình, đạt lý, gia đình ông Công và gia đình ông Thịnh cùng nhất trí với phương án của tổ hòa giải đưa ra và cam kết thực hiện tốt, đồng thời hai bên nhận lỗi với nhau, bắt tay đoàn kết, gắn bó, xóa bỏ đi những hiểu lầm từ trước.

Tranh chấp nhà văn hóa…
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vì…
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động