Thứ năm 23/05/2024 13:13
Câu chuyện hòa giải:

Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở, gần 30 năm nay, bà Cao Thị Bé - Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố Nhật Tảo 2 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn. Câu chuyện bà chia sẻ với phóng viên dưới đây là một thí dụ điển hình.
Bà Cao Thị Bé là nữ hòa giải viên với gần 30 năm “tuổi nghề”. Ảnh: Văn Biên
Bà Cao Thị Bé là nữ hòa giải viên với gần 30 năm “tuổi nghề”. Ảnh: Văn Biên

Nhà bà Kim nuôi con chó béc giê, hàng ngày bà dắt chó ra ngõ đi chung và để con chó phóng uế bữa bãi ra con ngõ, gây mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối. Các hộ xung quanh nhắc nhở nhưng nhà bà Kim không những không khắc phục mà còn có hành vi thách thức, gây mất trật tự trong khu dân cư. Gia đình ông Long là một trong số những hộ gia đình sống trong con ngõ đã hẻm đã có đơn đề nghị tổ hòa giải xem xét giải quyết.

Sau khi nhận được đơn đề nghị của ông Long, bà Cao Thị Bé tiến hành xác minh thực tế. Sau khi đã thu thập đủ chứng cứ, bà Bé đã mời bà Kim và ông Long tiến hành hòa giải. Tại buổi hòa giải, ông Long cho rằng, việc gia đình bà Kim thả chó phóng uế bừa bãi không phải một lần mà nhiều lần, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường của các hộ dân sống trong hẻm dẫn đến bức xúc trong các hộ dân. Các hộ cũng nhắc nhở bà Kim nhưng bà Kim không tiếp thu nên ông Long mới làm đơn. Ngoài ra, ông Long đề nghị khi thả chó ra ngoài phải có rọ mõm.

Bà Kim giải thích: "Việc nuôi chó, mèo trong nhà có bị Nhà nước cấm đâu, người xưa nói “khuyển mã chi tình” (chó, ngựa là động vật có tình với con người). Hơn nữa, các cụ đã có câu: “Có ai nuôi chó một nhà, nuôi gà một chuồng đâu”. Con chó nhà tôi là giống thuần chủng, nó khôn lắm, dạy nó được, bảo nó được".

Qua trao đổi giữa 2 bên, bà Bé phân tích để bà Kim hiểu rằng pháp luật không cấm việc người dân nuôi chó, mèo trong nhà, song chủ súc vật nuôi cần phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh lây truyền từ thú nuôi. Người nuôi chó không được thả rông nơi công cộng, khi dắt chó ra ngoài phải giọ mõm...

Do đó, hành vi thả chó phóng uế bừa bãi của gia đình bà Kim là vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ, người nào có hành vi “Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng”; “Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và phải khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, thì hành vi thả chó ra ngoài đường không đeo rọ mõm cho chó sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Bà Bé và Tổ hòa giải rất mong gia đình bà Kim tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về việc nuôi chó trong nhà. Nếu gia đình bà Kim làm được như vậy thì chẳng có ai có ác ý với chú chó của gia đình bà, đồng thời đề nghị bà Kim xin lỗi ông Long về những lời nói không đúng chuẩn mực.

Qua phân tích của tổ hòa giải về hành vi thả rông chó không đeo rọ mõm và để chó phóng uế nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, làm mất mỹ quan đô thị, làm ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho bà con xung quanh khi bị chó cắn, bà Kim hiểu được việc làm của mình là sai, gây ảnh hưởng đến bà con dân phố. Bà Kim hứa sẽ không thả rông chó và xin lỗi ông Long vì đã có lời nói không đúng mực.

Qua vụ việc trên cho thấy, hòa giải viên khi nhận trách nhiệm trước dân làm công tác hòa giải ở cơ sở cần luôn gần gũi dân, biết lắng nghe ý kiến của dân, coi trọng việc vận động, tuyên truyền về nếp sống văn minh, tiến bộ để mọi người cùng chung tay xây dựng lòng tin, xây dựng tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, vun đắp cho cuộc sống ở địa bàn dân cư luôn thấm đượm tình người, luôn coi trọng “tình làng nghĩa xóm”.

Ông Hoàng Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc khẳng định: “Bà Cao Thị Bé là hòa giải viên được người dân quý mến, nể trọng. Tham gia công tác hòa giải đã gần 30 năm, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, bà đã gắn kết “tình làng nghĩa xóm” thêm bền chặt. Nhờ bà Bé mà lãnh đạo phường đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Bà Cao Thị Bé xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương”.
Hoà giải viên hoá giải mâu thuẫn gây rạn nứt tình cảm chỉ vì tranh chấp đất
Rạn nứt tình vợ chồng vì lô đề
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động