Thứ hai 25/11/2024 07:10
Câu chuyện hòa giải:

Hoà giải viên hoá giải mâu thuẫn gây rạn nứt tình cảm chỉ vì tranh chấp đất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy, mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp. Nhiều gia đình từng sống đầm ấm, hạnh phúc, đùm bọc, thương yêu nhau, nhưng rồi một ngày, mối thâm tình bỗng dưng nguội lạnh, tình cảm gia đình bị sứt mẻ. Câu chuyện dưới đây được bà Đặng Thị Thành (Tổ phó Tổ hòa giải 11, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên PL&XH là một ví dụ cụ thể.
Thân tộc rạn nứt vì đất…
Các hoà giải viên ở cơ sở góp phần "giữ lửa" tình xóm giềng, gia đình. Ảnh minh hoạ

Vợ chồng cụ Minh sinh được 3 người con gái, đặt tên lần lượt là Cúc, Trúc, Mai và một người con trai tên là Tùng. Ông Tùng lập gia đình với bà Thanh, sinh được hai người con, một trai và một gái. Bà Cúc lập gia đình với ông Ngọc, sinh được một con gái, đặt tên là Thủy. Bà Trúc và bà Mai không lập gia đình.

Bà Trúc và bà Mai vì không lập gia đình nên sống cùng gia đình ông Tùng tại căn nhà rộng 80 m2 trên thửa đất có diện tích 108 m2 tại Tổ dân phố 11, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Thửa đất trên là do vợ chồng cụ Minh để lại.

Mối quan hệ của bốn chị em ông Tùng rất tốt đẹp, chị em yêu thương, bao bọc lẫn nhau. Ngoại trừ bà Cúc lập gia đình nên sống khác tổ dân phố, còn lại ba chị em ông Tùng vẫn sống cùng một nhà. Bà Cúc vẫn thường xuyên qua chơi, thăm hỏi các em của mình.

Hiểu rõ sự thiệt thòi khi hai chị chồng khi không có gia đình riêng nên bà Thanh rất quan tâm, chia sẻ và chăm sóc chu đáo cho bà Trúc và bà Mai. Hai người con của ông Tùng cũng rất quý mến và tôn trọng hai bác ruột.

Cách đây 5 năm thì ông Tùng lâm bệnh rồi mất. Hai năm sau thì bà Cúc cũng qua đời. Sau khi bà Cúc mất được hơn 1 năm thì vợ con ông Tùng, bà Trúc, bà Mai tiến hành các bước để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mà họ đang ở.

Biết chuyện, con gái bà Cúc - chị Thủy - đến gặp vợ con ông Tùng, bà Trúc, bà Mai đòi chia đất - phần tài sản của mẹ chị được hưởng từ thửa đất mà ông bà ngoại để lại. Chị Thủy mong muốn sau khi được nhận phần đất thì sẽ bán để lấy vốn kinh doanh.

Theo chị Thủy, ông bà ngoại mất không để lại di chúc nhưng có trăn trối rằng “Thửa đất sẽ cho bốn người con”. Do đó, chị Thủy cho rằng, cậu Tùng, dì Trúc và dì Mai phải trả cho mẹ chị phần tài sản mà bà được thừa hưởng từ ông bà ngoại.

Vợ con ông Tùng, bà Trúc, bà Mai kiên quyết không đồng ý. Họ giải thích rằng, khi còn sống, mẹ chị Thủy chưa bao giờ đòi quyền thừa kế tài sản. Hơn nữa, trước lúc mất, bà Cúc có dặn rằng phần tài của bà sẽ để lại cho vợ con ông Tùng sử dụng. Chính vì vậy, họ kiên quyết không chia đất.

Chị Thủy cũng không phải dạng vừa. Chị dùng mọi lý lẽ, hiểu biết pháp luật của mình để thuyết phúc, thậm chí ép gia đình cậu và 2 dì phải thực hiện theo ý mình. “Nếu mợ, các em và các dì không chủ động chia đất thì cháu sẽ đâm đơn lên cơ quan chức năng, cậu và các dì sẽ không làm sổ đỏ được đâu. Ngoài ra, cháu sẽ gửi đơn kiện lên tòa dân sự đòi lại những gì mà mẹ cháu được hưởng”, bà Thành kể.

Thấy đứa cháu kiên quyết, một phần vì sợ hàng xóm dị nghị, phần khác vì không muốn tình máu mủ phải đối đầu nhau tại toà án nên vợ con ông Tùng, bà Trúc, bà Mai “xuống nước”. Họ đưa ra giải pháp đồng ý trả bà Cúc phần tài sản mà bà được hưởng từ cha mẹ, nhưng sẽ không cắt đất trả cho chị Thủy, thay vào đó sẽ trả cho chị một khoản tiền.

Chị Thủy không đồng ý. Chị nhất quyết gửi đơn lên cấp có thẩm quyền đề nghị giải quyết. Trước thái độ của đứa cháu gái, vợ con ông Tùng đã gửi đơn lên Tổ hòa giải. Tiếp nhận vụ việc, bà Thành đã trực tiếp đến nhà gặp vợ con ông Tùng, bà Trúc, bà Mai để nghe họ kể đầu đuôi câu chuyện. Sau đó, bà Thành gặp riêng chị Thủy để lắng nghe nguyện vọng của chị.

“Sau khi đã hiểu rõ bản chất của vụ việc qua lời kể của các bên, tôi tổ chức buổi hòa giải tại nhà ông Tùng. Buổi đầu tiên không thành công vì các bên không thống nhất được việc phân chia tài sản. Thậm chí cãi nhau to vì ông cậu và 2 bà dì luôn mồm mắng mỏ chị Thủy hư đốn, lập gia đình rồi còn tham lam quay về đòi đất của ông bà ngoại…”, bà Thành chia sẻ.

Sau buổi đầu thất bại, bà Thành kiên trì gặp gỡ, thuyết phục các bên nên nhường nhịn, chịu thiệt một chút, tránh cảnh họ hàng máu mủ, anh chị em phải dắt nhau ra toàn kiện tụng. “Với sự kiên trì của tôi cùng các hòa giải viên, sau 15 buổi hòa giải, các bên mới đi đến thống nhất việc phân chia tài sản. Theo đó, vì ông Tùng là con trai và giờ vợ con ông đang thờ cúng cha mẹ nên chia cho gia đình ông Tùng ½ diện tích thửa đất (54 m2/108m2), một nửa diện tích còn lại chia đều cho bà Cúc (mẹ chị Thủy), bà Trúc và bà Mai”, bà Thành cho biết.

Sau khi các bên thống nhất phân chia, tổ hòa giải đã tiến hành lập biên bản hoà giải thành, các bên đã ký vào biên bản. Bà Thành nói, đây là vụ hòa giải phức tạp và kéo dài nhất trong suốt 21 năm làm công tác hòa giải cơ sở của tôi. Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy, mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp”, bà Thành tâm sự.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Thân tộc rạn nứt vì đất…
Bà Đặng Thị Thành chia sẻ: “Muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên. Đồng thời, phải gần gũi, thân thiện và thông cảm với người trong cuộc. Hòa giải viên phải ăn nói nhẹ nhàng, thấu đáo”. Ảnh: Văn Biên
Rạn nứt tình cha con vì mẹ kế… Rạn nứt tình cha con vì mẹ kế…
Rạn nứt hôn nhân chỉ vì sinh con một bề Rạn nứt hôn nhân chỉ vì sinh con một bề
Rạn nứt xóm giềng chỉ vì nuôi gia súc Rạn nứt xóm giềng chỉ vì nuôi gia súc
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động