Hòa giải viên phải biết lắng nghe, thấu hiểu…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở cũng luôn được phường Phúc La chú trọng thực hiện thường xuyên. Ảnh: Tuyết Nhi |
Công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng phát triển
Ông Vũ Trọng Thủy, công chức Tư pháp phường Phúc La cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Phúc La đã không ngừng phát triển. Các tổ hòa giải được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng, thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.
Theo ông Vũ Trọng Thủy, UBND phường luôn chú trọng quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở, do đó, các tổ hòa giải trên địa bàn phường đều đạt tổ hòa giải 5 tốt.
“Các bác hòa giải viên được lựa chọn đều là những người có uy tín trong nội bộ Nhân dân, có trình độ, kiến thức pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình với công tác hòa giải. Hàng năm, các hòa giải viên được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn công tác hòa giải do UBND quận tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ hòa giải cơ sở” – ông Vũ Trọng Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Trọng Thủy, để thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, định kỳ hàng quý, UBND phường duy trì tổ chức họp giao ban với các tổ hòa giải để kịp thời nắm bắt các vụ việc phát sinh, cũng như có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời để công tác hòa giải đạt hiểu quả, nâng cao tỉ lệ hòa giải thành tại cơ sở. Bên cạnh việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, UBND phường Phúc La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị, hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, tài liệu tuyên truyền, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật, sinh hoạt cộng đồng.
Công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở cũng luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên. Mạng lưới tổ hòa giải được kiện toàn đã thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh.
Định kỳ hàng năm, các tổ trưởng, hòa giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, các kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, giao thông, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Tiến - Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết, hoạt động hòa giải ở cơ sở ở phường Phúc La đã thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội cùng tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành cho mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng tiến bộ.
Theo ông Nguyễn Đức Tiến, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền phường Phúc La luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở phường Phúc La thời gian qua đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng phường Phúc La ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hòa giải viên được Nhân dân yêu mến, nể trọng
Với tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở nhiều năm qua. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã 82 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Dụ (bên trái) vẫn nhiệt tình với công việc, vẫn âm thầm đi sâu sát quần chúng góp phần hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh trong quần chúng Nhân dân, giữ gìn hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người. Ảnh: Tuyết Nhi. |
Ở tổ dân phố Yên Phúc nói riêng và Nhân dân trên địa bàn phường Phúc La nói chung, không ai là không biết đến bà Đỗ Thị Dụ, gương cán bộ hòa giải có uy tín, được mọi người yêu mến, nể trọng.
Bà Đỗ Thị Dụ năm nay đã 82 tuổi. Qua những chia sẻ của bà có thể cảm nhận được tình cảm thân ái mà sâu sắc bà dành cho địa phương mình, đặc biệt là tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở mà bà đã đảm nhận hơn 60 năm qua.
Bà Dụ bén duyên với “nghề” hòa giải cách đây hơn 60 năm – khi đó bà mới 21 tuổi. “Nói là chính thức làm hòa giải viên cơ sở thì từ khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực, chứ chuyện can ngăn người này, khuyên nhủ người kia khi có mâu thuẫn xảy ra trong tổ dân phố thì tôi đã làm hơn 60 năm nay rồi” – bà Dụ cho biết.
Bà Dụ chia sẻ: “Mâu thuẫn tại khu dân cư nơi tôi sinh sống xuất phát từ nhiều yếu tố, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn có nhiều cách, với tôi cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi. Tôi vẫn thường nhắn nhủ mọi người xung quanh: Sống hiền để gặp lành, nhiều bạn ắt sẽ bớt thù, đương nhiên với những chuyện không đúng, trái ngang thì phải kiên quyết. Muốn mọi người đồng lòng, thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải làm đúng, phải gương mẫu. Như vậy lời nói, hành động của mình mới có giá trị”.
Chia sẻ với phóng viên PL&XH về quá trình tham gia công tác hòa giải cơ sở của mình, bà Dụ cho biết, công việc để hòa giải thành công là cả một quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì hiệu quả mới đạt cao.
Theo bà, khi có vụ việc phát sinh bà sẽ chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng Nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết. Đặc biệt bà luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của tổ dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.
Bà Dụ kể, ngày ngày bà thường hay tới thăm hỏi các gia đình trong khu, phải đi lại, hỏi han, trò chuyện nhiều với mọi người mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong làng, ngoài xóm. Có khi nhờ câu chuyện của nhà người này, bà lại giúp đỡ được nhà người khác. Nhiều gia đình có việc ngại không nói với tổ hòa giải nhưng nghe người khác nói, bà vẫn đến tìm hiểu, khuyên nhủ, động viên, thuyết phục.
Theo bà Dụ, việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối phố.
Ngoài vai trò là một hòa giải viên, bà Dụ còn được nhiều người biết đến là một người khéo dân vận. Bằng uy tín của mình, những năm qua, bà đã vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường… góp phần giữ cho bộ mặt đô thị tại tổ dân phố Yên Phúc nói riêng và phường Phúc La nói chung luôn khang trang - sạch đẹp.
Ông Nguyễn Đức Tiến - Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với sự nhẹ nhàng, tinh tế vốn có của phụ nữ, những hòa giải viên là cán bộ hội phụ nữ cơ sở thường xuyên xử lý các vụ việc đạt hiệu quả.
“Bà Đỗ Thị Dụ là hòa giải viên được người dân quý mến, kính trọng. Nhiều năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, bà đã kết tình làng nghĩa xóm. Nhờ bà mà lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Bà Dụ xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương” - ông Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại