Vì sao vợ chồng giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hơn 45 tỷ đồng được hưởng mức án dưới khung?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTAND tỉnh Ninh Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hai vợ chồng giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hơn 45 tỷ đồng (Ảnh: Đức Anh - Báo Dân trí) |
Hai vợ chồng giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hơn 45 tỷ đồng...
Mới đây, TAND tỉnh Ninh Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sơ thẩm số 60/2023/TLST-HS ngày 22/12/2023 đối với bị cáo: Nguyễn Đức Hậu, SN 1978, trú tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Linh Nhung (Công ty Linh Nhung); Bùi Thị Kim Nhung, SN 1977, vợ của Nguyễn Đức Hậu, là Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình (Công ty Nam Phương) và Bá Thị Hiền, SN 1988, trú tại phường Nam Thành, TP Ninh Bình, là kế toán của Công ty Linh Nhung.
Các bị cáo bị VKSND tỉnh Ninh Binh truy tố về tội “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị cáo đều được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đáng chú ý, bị cáo Hậu từng bị TAND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình xử phạt 12 triệu đồng về tội “Đánh bạc” vào năm 2016 và năm 2022 bị TAND tỉnh Ninh Bình xử phạt 500 triệu đồng về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”. Bị cáo Hiền cũng bị TAND tỉnh Ninh Bình xử phạt 200 triệu đồng về tội “Mua bán trái phép hoá đơn” vào năm 2022 và chưa chấp hành hình phạt.
Theo hồ sơ vụ án và cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình xác định: Hậu làm nghề kinh doanh dăm gỗ keo. Tháng 11/2012, Hậu đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV thương mại Linh Nhung, hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh dăm gỗ và vận tải hàng hóa.
Để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ sang thị trường nước ngoài, ngày 9/4/2015, Hậu cùng ông Lang Văn In là Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Văn Lang góp vốn thành lập Công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình, địa chỉ kinh doanh cùng trụ sở Công ty Linh Nhung. Hậu lấy tên vợ là Bùi Thị Kim Nhung đứng tên làm giám đốc.
Sau khi thành lập Công ty Nam Phương, Hậu trực tiếp đi giao dịch, tìm kiếm khách hàng, thuê đất mở một số nhà xưởng, bến bãi để làm điểm thu mua gỗ tròn chế biến thành dăm gỗ và mua sản phẩm dăm gỗ đã chế biến của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình sau đó chuyển về điểm tập trung tại Cảng Hải Thịnh, tỉnh Nam Định để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Quá trình hoạt động kinh doanh, Hậu là người điều hành và trực tiếp chỉ đạo các bộ phận trong công ty như kế toán, thủ quỹ, nhân viên các xưởng thực hiện công việc thu mua dăm gỗ, hoàn thiện hóa đơn chứng từ đầu vào đầu ra và chỉ đạo các công việc liên quan đến xuất khẩu, kê khai và hoàn thuế….
Từ năm 2016 đến năm 2020, Hậu đã sử dụng Công ty Linh Nhung do mình đứng tên giám đốc là người đại diện theo pháp luật làm doanh nghiệp trung gian xuất khống trước hóa đơn GTGT đầu vào cho Công ty Nam Phương để hợp thức hóa nguồn dăm gỗ công ty mua không có hóa đơn để làm thủ tục kê khai, xuất khẩu với Chi cục Hải quan Nam Định.
Hàng tháng, căn cứ vào khối lượng dăm gỗ mua của các doanh nghiệp có hóa đơn và khối lượng dăm gỗ thu mua của các hộ kinh doanh cá thể không có hóa đơn, Hậu chỉ đạo Hiền kế toán thuế của công ty tổng hợp và làm thủ tục xuất khống hóa đơn từ Công ty Linh Nhung sang Công ty Nam Phương tương ứng với khối lượng dăm gỗ đã mua không có hóa đơn.
Để hợp lý hóa thủ tục xuất khống hóa đơn giữa hai công ty, Hiền lập các hợp đồng, chứng từ, bảng kê như mua bán hàng hóa thật và đưa cho Hậu ký vào mục bên bán hàng, Nhung ký vào mục bên mua hàng với vai trò là giám đốc, sau đó Hiền chuyển các hóa đơn chứng từ đã có chữ ký của Hậu, Nhung cho bộ phận kế toán làm thủ tục kê khai, xuất khẩu hàng hóa cho công ty.
Tổng cộng từ năm 2016 đến năm 2020, Hậu đã chỉ đạo Hiền xuất khống 91 hóa đơn GTGT của Công ty Linh Nhung cho Công ty Nam Phương với giá trị hàng hóa trước thuế là 462.405.425.620 đồng, thuế GTGT 10% là 46.240.542.562 đồng, tổng giá trị thanh toán là 508.645.968.182 đồng, nhằm hợp lý hóa số lượng dăm gỗ mua của các hộ dân nêu trên. Thực tế trong giai đoạn này giữa Công ty Linh Nhung và Công ty Nam Phương không phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa.
Sau khi Công ty Nam Phương hoàn thành việc xuất khẩu, Hậu biết được quy định của pháp luật về điều kiện hoàn thuế và Công ty Nam Phương thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu. Vì vậy, để làm tăng số tiền được hoàn của Công ty Nam Phương nhằm chiếm đoạt, Hậu đã chỉ đạo Hiền sử dụng 91 hóa đơn GTGT khống của Công ty Linh Nhung hạch toán hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho Công ty Nam Phương trong các kỳ khai thuế. Sau đó Hậu tiếp tục chỉ đạo Hiền làm thủ tục đề nghị hoàn thuế GTGT cho Công ty Nam Phương theo quý, tháng đưa cho Nhung ký tên, đóng dấu vào mục giám đốc để công ty được hoàn lại số tiền thuế GTGT đã kê khai trong đó có 91 hóa đơn khống của Công ty Linh Nhung.
...Nhưng được hưởng mức án dưới khung hình phạt
Kết quả xác minh tại Cục Thuế tỉnh Ninh Bình xác định: từ quý II/2016 đến tháng 12/2020, Công ty Nam Phương đã kê khai, đề nghị Cục Thuế tỉnh Ninh Bình hoàn thuế 31 lần đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu và được Cục Thuế tỉnh ra quyết định hoàn thuế với tổng số tiền là 76.303.330.563 đồng, truy hoàn số tiền 793.745.892 đồng, số tiền thực hoàn là 75.509.584.671 đồng.
Trong đó, Công ty Nam Phương đã kê khai 91 hóa đơn GTGT khống mặt hàng dăm gỗ với tổng giá trị hàng hóa trước thuế là 462.405.425.620 đồng để hạch toán hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho Công ty Nam Phương trong 30 kỳ kê khai đề nghị hoàn thuế, số tiền đề nghị hoàn thuế trên 91 hóa đơn khống là 46.240.542.562 đồng (10% giá trị tiền hàng).
Căn cứ các tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo, TAND tỉnh Ninh Bình tuyên phạt: Nguyễn Đức Hậu 18 tháng tù, phạt bổ sung số tiền 30 triệu đồng sung ngân sách Nhà nước; Bùi Thị Kim Nhung số tiền 1,6 tỷ đồng sung ngân sách Nhà nước; Bá Thị Hiền 12 tháng tù. Buộc Nguyễn Đức Hậu, Bùi Thị Kim Nhung và Bá Thị Hiền phải liên đới chịu trách nhiệm nộp lại toàn bộ số tiền 45.780.312.460 đồng để sung ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, khoản 3 và khoản 4 Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Trốn thuế” quy định: “Phạm tội trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm; người phạm tội có thể bị phạt từ 20 triệu đến 100 triệu đồng…”. Một số chuyên gia pháp lý nhận định, trong khi bị cáo Hậu và Hiền từng có tiền án về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”; bị cáo Hiền chưa chấp hành hình phạt; số tiền trốn thuế lên tới hơn 45 tỷ đồng và các bị cáo đều chưa khắc phục xong hậu quả nhưng TAND tỉnh Ninh Bình vẫn cho các bị báo được hưởng dưới khung hình phạt là một phán quyết khá nhẹ nhàng.
Không có căn cứ xử lý hình sự đối với các cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình
Đối với trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình trong việc quản lý kê khai thuế và thực hiện hoàn thuế cho Công ty Nam Phương, HĐXX đánh giá: Cục Thuế tỉnh Ninh Bình là đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với Công ty Nam Phương. Trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 12 năm 2020, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 31 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Công ty Nam Phương. Trong đó có 3 hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và 28 hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế Công ty Nam Phương, cán bộ, lãnh đạo các phòng chuyên môn đã thành lập hai đoàn kiểm tra trước hoàn thuế đối với 3 hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau và thành lập hai đoàn kiểm tra sau hoàn thuế đối với 28 hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau tại trụ sở Công ty Nam Phương và các xưởng sản xuất dăm gỗ.
Kết quả kiểm tra xác định Công ty Nam Phương thực tế có thu mua, chế biến dăm gỗ, có kho hàng, bến bãi để tập kết, lưu trữ hàng hóa, có đầy đủ thủ tục xuất khẩu qua Chi cục Hải quan Nam Định, không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, chỉ có hành vi khai sai doanh thu bán hàng và hạch toán một số khoản chi không đúng vào chi phí sản xuất dẫn số thuế GTGT đủ điều kiện sau hoàn chênh lệch số tiền 793.745.892 đồng. Sau khi kết thúc kiểm tra, Cục Thuế tỉnh đã ra Quyết định xử lý vi phạm về thuế và thu hồi hoàn thuế GTGT số tiền 793.745.892 đồng.
Ngoài ra sau khi kiểm tra các cán bộ phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ hoàn thuế cho Công ty Nam Phương đã thực hiện gửi các Phiếu yêu cầu xác minh nguồn gốc hàng hóa, nội dung kinh tế ấn chỉ (hóa đơn GTGT) đến các cơ quan quản lý thuế nơi doanh nghiệp xuất hóa đơn đầu vào cho Công ty Nam Phương để xác minh tính xác thực của hóa đơn.
Như vậy, quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thuế đối với Công ty Nam Phương các cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đúng quy trình kiểm tra, hoàn thuế, ngoài ra không phát hiện có dấu hiệu thông đồng, bao che cho người nộp thuế của cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình và không có việc chi tiền hay lợi ích vật chất của Công ty Nam Phương cho các cá nhân có liên quan của Cục thuế tỉnh Ninh Bình. Do đó, không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình.
Bắt nữ giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hàng chục tỷ đồng | |
Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế lớn nhất ở tỉnh Hà Nam | |
Chế tài xử phạt cho những kẻ trốn thuế bằng hóa đơn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại