Chủ nhật 05/05/2024 17:51

Trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở Việt Nam, trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật được quan tâm thực hiện từ rất sớm và được ghi nhận bằng sự ra đời của Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998.
Pháp luật quy định rất đầy đủ và rõ ràng về công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Pháp luật quy định rất đầy đủ và rõ ràng về công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.

Về phương diện trợ giúp xã hội cho người khuyết tật, có thể kể đến sự ra đời của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09-03-2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, tiếp đến là Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27-02-2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; đặc biệt là Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)… và một số các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan.

Theo Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật được định nghĩa “là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập khó khăn” (Điều 2). Người khuyết tật được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên, chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên chỉ áp dụng đối với hai loại đối tượng người khuyết tật là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. Mức độ khuyết tật được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10-04-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật năm 2010 (Nghị định số 28/2012/NĐ-CP).

Việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ kinh phí khi chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đã có bước tiến đáng kể. Theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP thì đối tượng mắc bệnh tâm thần mãn tính được xếp chung với nhóm đối tượng người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh chế độ trợ cấp với bản thân người khuyết tật, pháp luật cũng quy định quyền lợi cho thân nhân gia đình và người nhận nuôi người khuyết tật thông qua chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, bao gồm: “Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi” (khoản 2, Điều 44).

Việc bổ sung thêm hai nhóm đối tượng là người nhận nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thể hiện sự tiến bộ trong mục tiêu an sinh xã hội và đảm bảo quyền của người khuyết tật là phụ nữ và trẻ em.

Liên quan tới chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội có thể khẳng định nuôi dưỡng người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước là một hoạt động có ý nghĩa nhân đạo và nhân văn đối với người khuyết tật. Pháp luật hiện hành quy định: “Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội” (khoản 1 Điều 45). Nhìn chung, chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật trong các cơ sở bảo trợ xã hội tương đối toàn diện, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, đặc biệt Luật Người khuyết tật năm 2010 còn quy định cụ thể về chăm sóc y tế và khám chữa bệnh cho họ.

Cùng với đó pháp luật trợ giúp xã hội đã quy định cụ thể kinh phí thực hiện chế độ trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật. Theo Điều 33 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, kinh phí khảo sát, thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người khuyết tật, kinh phí tuyên truyền, phổ biến chính sách, kinh phí tập huấn cho cán bộ làm công tác người khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội, kinh phí chi trả trợ cấp xã hội áp dụng theo quy định của Chính phủ về kinh phí thực hiện chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Cụ thể: Kinh phí trợ cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật được bố trí trong dự toán chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách của địa phương. Kinh phí trợ giúp xã hội đột xuất bao gồm ngân sách địa phương tự cân đối, trợ giúp của tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua Chính phủ, các đoàn thể xã hội. Trường hợp các nguồn kinh phí trên không đủ để thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất thì được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương. Kinh phí cho việc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp (khoản 2 Điều 45).

Bản Sa
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động