Chủ nhật 24/11/2024 21:14

Chỉ vì sự cố trong nhà vệ sinh ở tầng trên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Là Tổ phó Tổ hòa giải Tổ dân phố 14 phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội), với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, ông Trần Công Duyên (76 tuổi) đã hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn, gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Câu chuyện dưới đây mà ông chia sẻ với ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị) là một trong số những vụ việc khiến ông ấn tượng...
Ông Trần Công Duyên (bên phải) chia sẻ: “Đi liền với việc nhà chung cư ngày càng phổ biến ở đô thị thì những vấn đề mâu thuẫn giữa cư dân cũng thường xuyên xảy ra”. Ảnh: Minh Phong
Ông Trần Công Duyên (bên phải) chia sẻ: “Đi liền với việc nhà chung cư ngày càng phổ biến ở đô thị thì những vấn đề mâu thuẫn giữa cư dân cũng thường xảy ra”. Ảnh: Minh Phong

Ông Tạo mua một căn hộ xây dựng thô tại tầng 12 của một tòa chung cư trên địa bàn tổ dân phố 14 phường Phúc La. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, với tính cẩn thận nên ông Tạo đã về quê thuê các nhóm thợ và khoán cho họ hoàn thiện các hạng mục cho căn hộ theo ý tưởng thiết kế của ông.

Là người hiểu biết về xây dựng nên ông Tạo rất chú trọng quy trình chống thấm tường nhà và khu vệ sinh. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện, nhóm thợ nề đã vì lòng tham nên đã ăn bớt vật liệu, cụ thể là không trải chống thấm bằng sika (một chất phụ gia chống thấm). Chính việc ăn bớt vật liệu xây dựng này đã gián tiếp khiến gia đình ông Tạo và gia đình ông Nghĩa (sinh sống tại tầng dưới) mâu thuẫn gay gắt.

Theo đó, sau khi hoàn thiện căn hộ, gia đình ông Tạo chuyển đến ở. Trong quá trình sinh hoạt, nhà vệ sinh bị thấm dột, gây thấm nước xuống nhà ông Nghĩa. Mùi ẩm ướt, hôi hám bốc lên đã làm ảnh hướng đến sinh hoạt của nhà ông Nghĩa.

Ông Nghĩa đã nhiều lần yêu cầu ông Tạo khắc phục, vì ngại đào bới nền nhà nên ông Tạo chỉ làm đối phó bằng cách lát thêm sàn nhà vệ sinh bằng gạch hoa. Nhưng vì không có vật liệu chống thấm chuyên dụng nên vẫn bị thấm dột…Hai gia đình đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt làm ảnh hưởng đến tình cảm hàng xóm gây mất trật tự công cộng.

Nhận được phản ánh của cư dân, ông Trần Công Duyên đã trực tiếp đến từng gia đình tìm hiểu cặn kẽ bản chất vụ việc.

Sau khi nắm rõ bản chất vụ việc, ông Duyên tổ chức buổi hòa giải tại Nhà văn hóa tổ dân phố, với sự tham gia của ha bên gia đình, đại diện tổ hòa giải, cán bộ địa chính phường và đại diện Ban quản lý tòa nhà.

Ông Trần Công Duyên cho biết, ông Tạo là người cẩn thận, cầu toàn. Căn hộ mà vợ chồng ông đang ở là tâm huyết, cố gắng cả đời ông bà. Trong phương án gửi lên Ban quản lý tòa nhà xin phép hoàn thiện, gia đình ông Tạo đã thiết kế rất chi tiết, cẩn thận từng hạng mục. Nhưng vì thợ thi công “ăn bớt” vật liệu chống thấm nên mới dẫn tới việc thấm dột nhà vệ sinh.

Nhưng xét về nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì việc nhà vệ sinh của của căn hộ thuộc sở hữu của ông Tạo thấm dột gây ảnh hưởng đến gia đình ông Nghĩa thì ông Tạo phải nhận trách nhiệm và phải khắc phục triệt để tình trạng thấm dột.

“Theo tôi, ngay sau buổi hôm nay, ông thuê một đơn vị thi công có uy tín đến nhà khảo sát và khắc phục ngay sự cố nhà vệ sinh. Đằng nào cũng phải làm thì hãy làm cẩn thận, một lần cho xong. Việc này xử lý dễ mà, có tốn kém bao nhiêu đâu mà ông để kéo dài như vậy. Sự việc không đến nỗi hai gia đình phải đưa nhau ra đây phân xử” – ông Duyên phân tích.

Ông Duyên cũng phân tích cho ông Nghĩa hiểu rằng, hai gia đình là hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Ông Nghĩa nếu muốn phản ánh thì cũng lựa lời nhẹ nhàng góp ý, không nên to tiếng dẫn tới hai bên lời qua tiếng lại, ảnh hưởng đến các hộ lân cận.

Tiếp đó, đại diện Ban quản lý tòa nhà cũng có lời sẽ hỗ trợ tối đa về thủ tục xin sửa chữa cho gia đình ong Tạo thi công công trình.

Sau khi nghe những lời của ông Duyên và đại diện Ban quản lý, ông Tạo hứa sẽ khắc phục sự cố ngay lập tức. Ông Tạo cũng gửi lời xin lỗi tỏ hòa giải và ông Nghĩa.

Ông Nghĩa cũng có lời cảm ơn tổ hòa giải và gửi lời xin lỗi ông Tạo vì trong lúc nóng nảy đã có những lời nói thiếu lịch sự với ông Tạo.

Kết thúc buổi hòa giải, hai bên bắt tay và ký biên bản giải hòa trong tiếng vỗ tay vui vẻ của những người tham dự.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Câu chuyện hòa giải: “Trăm cái lý không bằng tí cái tình”
Vì sao người vợ quyết đâm đơn ly hôn khi hai vợ chồng sắp lên làm cụ?
Sau thề non hẹn biển là cuộc sống địa ngục gia đình khiến hòa giải viên day dứt khuyên đương sự điều bất ngờ
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động