Thứ sáu 26/04/2024 04:55
Câu chuyện hòa giải:

Sau thề non hẹn biển là cuộc sống địa ngục gia đình khiến hòa giải viên day dứt khuyên đương sự điều bất ngờ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều năm “bén duyên” với công tác hòa giải cơ sở, bà Đỗ Thị Dụ (82 tuổi) đã cùng các hòa giải viên trong tổ hòa giải Tổ sân phố Yên Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã hòa giải thành rất nhiều vụ mâu thuẫn. Tuy nhiên, có những vụ hòa giải không thành, khiến bà Dụ rất buồn…Câu chuyện dưới đây được bà chia sẻ với phóng viên PLXH là một thí dụ.
Ly hôn là giải pháp tốt nhất cho cháu…
Không chỉ là một hòa giải viên “mát tay” với hơn 60 năm tuổi “nghề”, bà Đỗ Thị Dụ còn là người được các cấp Hội Phụ nữ tin tưởng, nể trọng...Ảnh: Tuyết Nhi

Sau một thời gian dài yêu nhau, chị Hồng và anh Thuận tiến tới hôn nhân. Ngày cưới, trước quan viên hai họ, chị Hồng và anh Thuận vô cùng hạnh phúc, họ trao cho nhau những lời thề ước sẽ chung thủy và nhận được lời chúc phúc của họ hàng và bạn bè.

Những năm đầu hôn nhân, hai vợ chồng sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, họ sinh được những người con khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tuy nhiên, vài năm gần đây, anh Thuận đã có sự thay đổi về tính cách và hành vi. Anh thường xuyên rượu chè, đánh đập chị Hồng, những trận đòn roi anh Thuận trút lên người chị Hồng ngày càng nhiều, làm cho tình cảm vợ chồng bị rạn nứt, không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Đã rất nhiều lần xích mích, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng được hàng xóm, anh em, bạn bè khuyên nhủ nhưng tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết từ chồng, chị Hồng trở lên cảnh giác. Cứ mỗi lần anh Thuận đi ra ngoài về nhà, nhìn nét mặt anh, chị Hồng đoán được ý đồ và hành động của chồng nên đã chủ động đi ra khỏi nhà, tìm đến chỗ bạn bè, người quen tá túc một vài giờ đồng hồ rồi mới quay trở lại nhà.

Đỉnh điểm, vào một buổi tối, chị Hồng vừa khóc vừa chạy đến nhà bà Dụ (nhiều năm nay, nhà riêng của bà Đõ Thị Dụ tại Tổ dân phố Yên Phúc được Hội LHPN quận Hà Đông chọn là Địa chỉ tin cậy công đồng) xin tạm lánh vì bị anh Thuận đuổi đánh. Trong thời gian ở nhà bà Dụ, chị Hồng không những ăn ngon, ngủ yên, tâm lý dần ổn định vì không còn sợ anh Thuận tìm đến hành hung.

“Trong những ngày cháu Hồng ở nhà tôi, cháu đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt từ cá nhân tôi và Hội LHPN phường Phúc La. Với tư cách là một hòa giải viên của Tổ dân phố, tôi động viên cháu Hồng bình tĩnh, cứ ở lại nhà tôi ít ngày rồi tôi sẽ tìm hướng xử lý” – bà Đỗ Thị Dụ chia sẻ.

Những ngày sau đó, bà Dụ đã trực tiếp gặp anh Thuận tìm hiểu nguyên nhân tại sao đánh vợ. Sau khi nghe anh Thuận trình bày lý do. Bà Dụ đã nhẹ nhàng phân tích tình, lý cho anh Thuận nghe.

Bà Dụ đã phân tích cho anh Thuận: “Là người đàn ông, cháu phải là trụ cột và là tấm gương soi cho con cái trong gia đình, nghĩ ra việc lớn để giúp vợ con ổn định cuộc sống, cùng vợ có trách nhiệm với gia đình. Thực hiện đúng khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”, nhưng cháu lại vì những lý do không đâu mà làm tổn thương đến tình cảm gia đình, lại thường xuyên đánh đập… Bản thân cháu cần phải bình tĩnh, nhìn lại thái độ và cách cư xử của mình xem đã đúng hay chưa? Dù đi đâu, làm gì bao giờ cháu cũng phải xác định gia đình là số 1, là quan trọng nhất, nên cần phải biết trân trọng, bảo vệ và vun đắp để vợ chồng cùng xây dựng gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trưởng thành, gia đình luôn luôn được yên vui, hạnh phúc”.

Sau khi nghe bà Dụ phân tích, anh Thuận nhận ra việc đánh vợ là sai trái, anh trực tiếp đến nhà bà Dụ xin lỗi chị Hồng, mong chị tha thứ. Trước thái độ ăn năn của chồng, chị Hồng gạt bỏ mọi uất ức, cùng anh Thuận trở về nhà.

“Nhưng rồi chứng nào tật ấy, từ nhà tôi trở về nhà chỉ được ít ngày, anh Thuận lại đánh chị Hồng bị thương. Chị Hồng một tay che khuôn mặt sưng vù, một tay xách túi quần áo chạy đến nhà tôi xin tạm lánh” – bà Dụ kể.

Sau lần đó, bà Dụ đã mời cả đại diện Tổ dân phố, Hội LHPN phường cùng vào cuộc với tổ hòa giải để tìm phương án giải quyết mâu thuẫn vợ chồng chị Hồng.

“Chúng tôi đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ riêng và chung, tìm mọi cách để khuyên nhủ chỉ mong sao hai cháu hòa thuận với nhau nhưng không đạt kết quả, vì cháu Thuận tỏ ra quá bảo thủ” – bà Dụ cho hay.

Theo bà dụ chi sẻ, sau khi đã làm hết mọi cách nhưng không thẻ cứu vãn được, dù rất buồn và đau lòng nhưng bà Dụ đã phải khuyên chị Hồng ly hôn. “Là một hòa giải viên, đã từng hòa giải thành rất nhiều vụ, nhưng vụ việc gia đình cháu cô đã hết sức cố gắng nhưng không thể thay đổi được bản tính và suy nghĩ của chồng cháu. Cháu còn trẻ, cuộc đời còn dài, cháu nên ly hôn” – bà Dụ kể.

Theo bà Dụ, trong các vụ mâu thuẫn, có những cặp vợ chồng hàn gắn được, nhưng cũng có cặp không được thì phải khuyên họ ly hôn vì níu kéo chỉ làm cho cả 2 thêm đau khổ. “Đến nay, vợ chồng cháu Hồng đã ly hôn, cháu Hồng đã tự tin hơn, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kĩ năng sống, khởi nghiệp, cuộc sống dần ổn định” – bà Dụ cho hay.

Bà Đỗ Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Phúc La cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của quận Hà Đông, phường Phúc La cũng như các cấp Hội phụ nữ nên đến nay số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn phường đã giảm nhiều. Dù vậy, các “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” nói chung và nhà riêng của bà Dụ vẫn luôn duy trì, mở rộng “vòng tay” đón nhận và sẻ chia nỗi đau của bất cứ ai.

“Nhiều năm nay, nhà riêng của bà Đỗ Thị Dụ tại Tổ dân phố Yên Phúc được Hội LHPN quận Hà Đông và phường Phúc La tin tưởng lựa chọn làm “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” - là nơi hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình đến tạm lánh, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình” – bà Đỗ Thị Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến cho biết, Tổ hòa giải Tổ dân phố Yên Phúc gồm 8 hòa giải viên. Các hoạt động hòa giải của Tổ hào giải Tổ dân phố Yên Phúc đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng phường Phúc La ngày càng giàu mạnh, văn minh.

“Bà Đỗ Thị Dụ là gương điển hình trong công tác xã hội tại phường, trong đó tiêu biểu nhất là công tác hòa giải ở cơ sở, nhờ bà mà lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa phương” - ông Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Chỉ vì ghen tuông mù quáng…
Chồng ham vui, bỏ bê vợ…
Vì sao người vợ quyết đâm đơn ly hôn khi hai vợ chồng sắp lên làm cụ?
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động