Giá trị các công trình kiến trúc ghi dấu ấn Thăng Long - Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoan Môn - cửa vào Cấm Thành của Hoàng Thành Thăng Long xưa, hiện là một di tích trong khu thành cổ |
Những quần thể di tích cổ
Thăng Long chính thức là kinh đô của Đại Việt từ năm 1010, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn - vị vua đầu triều nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới thể hiện nhiều khát vọng. Qua bao thăng trầm lịch sử, thành Thăng Long xưa dường như bị xóa nhòa dấu vết, những gì còn lại của thành quách, cung điện… là những kiến trúc ít ỏi chồng lấp qua nhiều thời kỳ. Khu trung tâm thành cổ Hà Nội chỉ còn một vài kiến trúc nhưng cũng phản ánh được phần nào được diện mạo của kinh thành xưa và sự nối tiếp của lịch sử, sự giao thoa của văn hóa.
Việc phát lộ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2002 (tại 18 Hoàng Diệu - Ba Đình, nay được gọi là Khu Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu) đã hiện ra diện mạo rõ nét và vẹn nguyên của Hoàng thành Thăng Long nằm ẩn sâu trong lòng đất. Ở đó có đầy đủ các tầng văn hóa - kiến trúc đúng như lịch sử đã ghi lại.
Trước đó, có những kiến trúc có tuổi hơn tuổi kinh thành Thăng Long, đa phần là đình, chùa, đền, miếu. Cổ xưa nhất và còn hiện hữu tới giờ là Chùa Trấn Quốc, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548), Chùa Một Cột (thời Lý thế kỷ 11), Chùa Láng và Chùa Kim Liên (thời Lý thế kỷ 12)…
Trong những kiến trúc và quần thể kiến trúc đình, chùa, đền, miếu còn lại của Thăng Long - Hà Nội thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất, dù cũng bị phá hủy bởi chiến tranh và được tu sửa qua nhiều lần.
Công trình này được xây dựng năm 1070 dưới triều nhà Lý, đây được coi là trường đại học đầu tiên của nước ta, đây cũng là nơi đặt nền móng cho nền giáo dục nước nhà trong suốt chiều dài lịch trải qua nhiều triều đại và hiện nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là nơi để lưu giữ cũng như nơi tôn vinh sự học của nước ta. Ngày 1/7/2013 Khuê Văn Các nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức trở thành biểu tưởng của Thủ đô Hà Nội. Đây đã, đang và sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước .
Đặc biệt, khi đi du lịch Hà Nội, có lẽ chúng ta không thể không ghé thăm Đền Ngọc Sơn. Luôn được nhắc đến trong danh sách những công trình kiến trúc độc đáo lâu đời của Hà Nội, Đền Ngọc Sơn không chỉ ghi dấu trong lòng người tham quan bởi kiến trúc, mà còn bởi phong cảnh tuyệt vời chung quanh. Ngôi đền lâu đời được xây dựng từ thế kỷ 19, nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm, là một trong những ngôi Di tích quốc gia được trân quý và bảo tồn đặc biệt. Ngôi đền uy nghi, linh thiêng mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc. Tham quan đền Ngọc Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một trong những ngôi kiến trúc độc đáo nhất của Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất |
Tiếp tục bảo tồn giá trị di sản cổ kính
Ở mảng kiến trúc nhà ở, Hà Nội có một di sản là phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là khu 36 phố phường. Khu phố cổ Hà Nội có từ thời Lý - Trần, là một nơi sản xuất và buôn bán sầm uất bên ngoài, phía Đông thành Thăng Long, giáp với sông Hồng và với nhiều phường nghề. Khu vực này đã tạo một sức hút lớn với nhiều cư dân ở các làng, các địa phương gần Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ.
Diện mạo kiến trúc phố cổ được định hình vào khoảng thế kỷ 18,19 với đặc trưng là những ngôi nhà dài, hình ống với mái ngói, cấu trúc được phân nhiều lớp, có sân trong. Phố cổ Hà Nội nổi tiếng là phố nghề với những tên sản phẩm trở thành tên phố có chữ “Hàng”. Dù giờ đây, những phố "Hàng" đã không còn như xưa, nhưng Phố cổ Hà Nội vẫn luôn là hình ảnh đẹp còn ghi dấu tích giữa phồn hoa.
Đặc biệt, với cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất.
Tuy nhiên, diện mạo khu phố cũ đang chịu tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết, do quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số... khiến nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Nói về quỹ di sản kiến trúc và đô thị của Hà Nội, TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – công trình Trường Đại học Phương Đông cho biết, một đô thị có hơn 1000 năm lịch sử, với quỹ di sản đồ sộ, đa dạng, đa tầng và đa giá trị. Trong bối cảnh này, di sản đô thị Hà Nội có cơ hội tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Nếu chúng ta có chiến lược khai thác, phát huy tốt, sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân cũng cho biết, số hóa di sản đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị. Tuy vậy, ứng dụng công nghệ mới trong bảo tồn di sản kiến trúc hiện nay của chúng ta đang ở mức độ khai thác, sử dụng các thiết bị và công nghệ đơn lẻ, mà chưa có hệ thống tích hợp thông tin, sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa giá trị dữ liệu và chiết xuất các giải pháp, kết quả có độ chính xác cao hơn. Chúng ta cần sớm đưa những công nghệ mới vào công tác bảo tồn để đạt được hiệu quả cao hơn, cả về thời gian, chi phí và quan trọng hơn là đảm bảo tính chân xác, sự bền vững của các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ kính của Hà Nội.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình 03-Ctr/TU, thời gian qua, những kết quả đạt được trong Chương trình số 03 của Thành ủy đã góp phần quan trọng trong chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị của Thủ đô, là nền tảng cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Để tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đạt hiệu quả. Duy trì và tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ giữa Ban chỉ đạo Chương trình với các Sở, ngành và các quận, huyện, thị xã nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để lan tỏa trong cả hệ thống chính trị từ thành phố tới tận cấp cơ sở, thôn tổ dân phố. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại