Chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung có sự tương đồng với chùm ở Văn Chương, Văn Miếu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, chỉ trong 3 ngày (23 đến 25-8) đã ghi nhận 73 ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Trong đó, riêng ngày 25-8 các cơ quan chức năng đã phát hiện 52 ca mắc Covid-19. Các bệnh nhân tập trung tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi và liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường.
Đánh giá về ổ dịch ở Thanh Xuân, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, chùm ca bệnh mới này đã xuất hiện trong một thời gian, hiện đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở phường Văn Chương, hay phường Văn Miếu của quận Đống Đa.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, khả năng lên tới 100 ca dương tính.
Về nguồn lây của chùm ca bệnh này, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch ở Thanh Xuân Trung, có thể nguồn lây là từ người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Trên cơ sở đó, CDC Hà Nội đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ. Ngoài ra, Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm ở những nơi giáp với các ổ dịch phức tạp, khu tập thể cũ…
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng.
Tuy nhiên, về vấn đề có nên triển khai xét nghiệm cho toàn bộ cư dân hay không, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng: “chưa cần thiết”. Bởi hiện nay, qua hai đợt xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của TP rất thấp. Các khu vực đang là ổ dịch như phường Văn Chương hay khu chung cư HH Linh Đàm đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.
“Tôi phải nhắc lại là hiện nay vẫn có nguy cơ trong cộng đồng. Nhiều khu vực không có yếu tố dịch bệnh, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm nhưng lại phát sinh thành ổ dịch như khu vực Thanh Xuân Trung. Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt thì vẫn có thể phát hiện được từ trước. Nhưng nhiều người dân bây giờ ngại khai báo vì đang giãn cách xã hội. Nếu khai báo đi chỗ này, chỗ kia thì là vi phạm quy định cách ly xã hội. Đó cũng là một khó khăn để phát hiện các ca bệnh”, ông Tuấn nêu.
Ảnh minh họa (Ngọc Nga) |
Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, đặc biệt là những ngày giãn cách xã hội còn lại, TP cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly xã hội; nghiên cứu triển khai các biện pháp cần thiết để bóc tách triệt để các F0 trong cộng đồng; nghiên cứu biện pháp nới lỏng phù hợp nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thống kê của Sở Y tế cho thấy, Hà Nội đã lấy 1.126.042 mẫu tại 30 quận, huyện, thị xã, qua đó, phát hiện 83 trường hợp dương tính. Số ca dương tính hầu hết ở các quận, huyện trọng điểm, khu vực dịch diễn biến phức tạp.
Cụ thể, số dương tính phân bố tại 8 quận, huyện: Đống Đa (48), Hoàng Mai (14), Hoài Đức (6), Hà Đông (6), Hoàn Kiếm (4), Thanh Trì (3), Hai Bà Trưng (1), Thanh Oai (1). Ngoài ra, các trường hợp dương tính được phát hiện trong 2 đợt triển khai lấy mẫu diện rộng được phân bố theo các khu vực, đó là khu vực nguy cơ cao (69 ca), khu vực phong tỏa (11 ca) và đối tượng nguy cơ cao (3 ca) cho thấy, dịch vẫn tập trung tại các quận trọng điểm, các ổ dịch đã được phát hiện.
Tính đến sáng 26-8, sộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4-2021) là 2.770 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.425 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.345 ca.
Xét nghiệm toàn bộ người trong khu phong tỏa Tại buổi kiểm tra công tác phòng dịch trên địa bàn quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nêu một số việc cần làm ngay để tập trung xử lý ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung. Theo đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa. Không thể để nhà F0 mà không có dấu hiệu cảnh báo. Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ yếu tố dịch tế, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia. Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc này. Cùng đó, phải thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, sau đó mới tới vai trò tự quản của Nhân dân; huy động đoàn thể tham gia, tính toán phương án an toàn cho người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng. Người trong các khu tập thể ở địa bàn phải “ai ở đâu ở nguyên đó” để giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác truy vết nhanh chóng hơn. Đây không chỉ câu chuyện của một phường. Có thể huy động lực lượng các cấp để chi viện trong lúc nóng bỏng, Chủ tịch Chu Ngọc Anh lưu ý. Về vấn đề xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh. Vì vậy quận cần xem xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc. Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại