Thứ bảy 20/04/2024 00:00

Thủ tục đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin Covid-19?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với sự gia tăng trở lại ca mắc và sự xuất hiện của chủng biến thể BA.4, BA.5, nhiều người dân tại Hà Nội đang cân nhắc tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, họ loay hoay do chưa nắm được các thủ tục liên quan.
Thủ tục đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin Covid-19?
Có 3 nhóm đối tượng thuộc diện tiêm mũi nhắc lại lần 2 gồm người trên 50 tuổi, người 18 tuổi trở lên suy giảm miễn dịch và người thuộc tuyến đầu, công nhân... (ảnh TTYT HBT)

Những ai thuộc diện tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19?

Bà L.T.H, 56 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, do bản thân khi nhiễm Covid-19 gặp các triệu chứng mệt mỏi kéo dài nên "rất khao khát được tiêm mũi 4". Nhưng chị liên hệ khắp nơi đều chưa được gọi đi tiêm nên rất sốt ruột vì thấy số ca mắc đang tăng, lại thêm biến chủng mới xuất hiện.

Tương tự, bà T, 67 tuổi, ở Tây Hồ cũng sốt ruột đợi lịch tiêm mũi 4 mà loay hoay không biết đến đâu đăng ký để được tiêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, hiện nay Bộ Y tế ưu tiên tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho 3 nhóm đối tượng chính, gồm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch vừa và nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm trong lĩnh vực giao thông vận tại, cung cấp dịch vụ thiết yếu, làm tại cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị), công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Với những người dân đủ điều kiện tiêm chủng mũi nhắc lại lần 2 đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội đều có thể đến trạm Y tế xã, phường nơi mình sinh sống để được hướng dẫn đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin Covid-19.

Nói về sự cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin Covid-19, Phó giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh: Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp khi số mắc Covid-19 trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh trở lại. Số ca mắc mới hàng tuần trên toàn thế giới đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp sau xu hướng giảm kể từ mức đỉnh dịch cuối cùng vào tháng 3/2022. Cụ thể số mắc mới gia tăng tại khu vực Đông Địa Trung Hải (+29%), Đông Nam Á (+20%), Châu Âu (15%) và Tây Thái Bình Dương (+4%).

Tại Việt Nam, số ca mắc ghi nhận trong những ngày gần đây có xu hướng tăng nhẹ, trong đó 3 ngày gần đây (5-7/7) đều ghi nhận trên 900 ca mắc/ngày, tăng khoảng 200 ca so với những ngày trước đó. Tại Hà Nội, số mắc trong tuần 27 (1-7/7), ghi nhận 1.819 ca mắc tăng 38,7% so với tuần trước đó (1.311 ca mắc) và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 6/7 cho thấy Omicron tiếp tục là biến thể thống trị lưu hành trên toàn thế giới. Hiện tại đã phát hiện BA.5 tại 83 quốc gia, BA.4 tại 73 quốc gia, BA.2 tại 150 quốc gia và BA.2.12.1 tại 84 quốc gia.

Theo các nghiên cứu cho thấy biến thể BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với BA.1, BA.2 từ 10%-13% và sẽ nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế tại tất cả các quốc gia, 2 biến thể BA.4 và BA.5 cũng làm hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19 giảm xuống khoảng 2-3 lần so với biến thế BA.1.

Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 4 ca BA.5 và 2 ca BA.4 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dự báo trong thời gian tới số ca nhiễm biến thể BA.4, BA.5 sẽ tiếp tục tăng nhanh và sẽ sớm trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Việt Nam.

Thủ tục đăng ký tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin Covid-19?
TS. Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (ảnh M.Q)

Hiệu quả của việc tiêm nhắc lại lần 2

Còn TS. Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh: Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc-xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5.

Nghiên cứu thực hiện tại Israel với trên 182.122 đối tượng là người trên 60 tuổi cho thấy hiệu quả của mũi nhắc lại lần 2 so với mũi nhắc lại lần 1 có hiệu quả đáng kể khi: hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 tăng 45%; hiệu quả chống lại mắc Covid-19 có triệu chứng tăng 55%; hiệu quả chống lại mắc Covid-19 ở mức độ nặng tăng 68%; hiệu quả giảm nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 tăng 74%.

"Chính vì thế vắc-xin sẽ tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng trong việc phòng mắc và giảm nguy cơ tử vong đối với Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện các biến thể như BA.4, BA.5", TS. Socorro Escalante khẳng định.

Hiện nay ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới triển khai tiêm mũi 4 như: Mỹ, Israel, Anh, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam...

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế về kết quả tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) đến hết ngày 11/7 cho thấy: đã có tổng số có 5.470.976 mũi tiêm (26,8%), tỷ lệ tiêm chủng thay đổi do các tỉnh điều chỉnh đối tượng mũi 4, trong ngày có 28 tỉnh triển khai với 129.572 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Bắc Cạn (3,6%); Quảng Bình (3,6%); Quảng Ngãi (8,1%); Bình Định (5,9%); Phú Yên (2,9%); Đồng Nai (7,0%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Lạng Sơn (96,5%); Cần Thơ (95,4%); An Giang (94,5%);

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội ngày 6/7, tính đến ngày 3/7, TP đã tiếp nhận, phân bổ 15.755.817 liều vắc-xin, trong đó đã sử dụng 15.747.907 liều. Cụ thể, đối với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1, mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 100%, mũi 3 đạt 96,5%; mũi nhắc lại lần 2 đạt 15,6%.

Tại cuộc họp này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi có biến chủng mới tác động khó lường đến cả nước và Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người trên 18 tuổi, nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp trong cả nước.

Phó Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, đây là thời điểm chúng ta phải tập trung tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Việc này gắn với trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người trên 50 tuổi.

Đã có bao nhiêu người tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19?
Nguy cơ bùng phát đợt dịch mới nhưng người dân vẫn né tránh tiêm vắc-xin
Trì hoãn tiêm mũi 4 vì quan niệm tiêm rồi vẫn mắc, chuyên gia dịch tễ nói gì?
Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 bao lâu thì miễn dịch suy giảm?
Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19?
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động