Đã có bao nhiêu người tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển khai tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (ảnh: TTYT Hai Bà Trưng) |
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2022 số người tiêm liều nhắc lại vắc-xin Covid-19 cụ thể như sau:
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm nhắc 1 (mũi 3) là 45.094.725 mũi tiêm (chiếm 67,2%). Tỉnh tiêm thấp gồm: Khánh Hòa (41,9%); Bình Thuận (35,4%); Sóc Trăng (40,0%); Cà Mau (38,1%); Hậu Giang (35,1%).
Tỉnh tiêm cao gồm: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).
Kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4): là 4.281.382 mũi tiêm (chiếm 6,4%). Tỉnh tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (1,4%);
Tỉnh tiêm cao gồm: Bắc Giang (24,2%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).
Nhóm từ 12-17 tuổi:
Tổng số mũi tiêm nhắc: 810.443 mũi tiêm. Kết quả tiêm nhắc <2%:
Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Điện Biên.
Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận
Miền Nam (9 tỉnh): TP Hồ Chí Minh; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Kết quả tiêm nhắc tốt: Thanh Hóa (43,8%); Lâm Đồng (42,0%); Tây Ninh (47,0%).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch Covid-19.
Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc-xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
Mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.
Theo WHO, tiêm mũi nhắc vắc-xin Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
Kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%; Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Bộ Y tế khuyến cáo, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc-xin Covid-19.
Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc-xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc-xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19.
Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi: Trẻ trong nhóm tuổi này đã tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) bằng vắc-xin Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, với liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên. Mũi nhắc (mũi 3) được tiêm ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi 2). Nếu người trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đã mắc Covid-19 thì sẽ tiêm mũi nhắc (mũi 3) sau khi mắc Covid-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng. Về việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêm cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp. |
Những người suy giảm miễn dịch cần tiêm liều vaccine tăng cường | |
Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 bao lâu thì miễn dịch suy giảm? | |
Lo ngại bùng phát đợt dịch Covid-19 mới trong mùa hè vì chủng virus mới |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại