Kỳ 1: Lừa đảo "ưu đãi" nhập học sớm, chuyển tiền vào tài khoản không phải của trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrường Đại học Sài Gòn cảnh báo sinh viên cần cảnh giác trước các tin nhắn lừa đảo của các đối tượng xấu. Ảnh: A.N |
Lừa đảo "tặng" ngay 3 triệu đồng cho sinh viên nhập học sớm, chuyển tiền vào tài khoản không phải của trường
Trường Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh vừa thông báo gấp đến các sinh viên về tin nhắn lừa đảo có nội dung: "HUIT - Chúc mừng bạn đã trúng tuyển chính thức. Mời bạn đến HUIT nhập học từ ngày 18/8 đến 17h ngày 27/8/2024. Đồng thời, HUIT tặng ngay ưu đãi 3 triệu đồng dành cho 2.000 thí sinh nhập học sớm nhất". Đoạn tin nhắn gửi đến thí sinh còn có một đường link và 2 số điện thoại để thí sinh liên hệ. Phía Đại học Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định đây là tin nhắn lừa đảo trúng tuyển nên sinh viên cần đặc biệt lưu ý tránh làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.
Mới đây, Trường Đại học Sài Gòn cũng thông báo đến các sinh viên về việc một số tân sinh viên của trường nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền gần 7 triệu đồng vào một số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Đây là chiêu trò của đối tượng lừa đảo bởi Trường Đại học Sài Gòn khẳng định nhà trường không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn hay thư điện tử yêu cầu thí sinh phải đóng lệ phí nhập học năm 2024.
Trường Đại học Sài Gòn lưu ý phụ huynh, thí sinh trúng tuyển chỉ thực hiện việc đóng lệ phí nhập học theo hướng dẫn của nhà trường tại tài khoản cá nhân trên trang https://nhaphoc.sgu.edu.vn/ từ ngày 21/8 đến 27/8. Ngoài ra, nhà trường lưu ý phụ huynh, thí sinh không thực hiện chuyển tiền khi gặp những trường hợp sau: thứ nhất, phụ huynh, học sinh tiếp nhận thông tin yêu cầu đóng lệ phí, học phí từ những kênh thông tin không chính thống của trường như qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, các trang nhóm Zalo, Facebook không thuộc quản lý của nhà trường (không có dấu tích xanh); thứ hai, số tài khoản ngân hàng có tên chủ tài khoản ngân hàng nhận chuyển tiền không phải là “Trường Đại học Sài Gòn”. Nhà trường không yêu cầu thí sinh, sinh viên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Về việc liên hệ với thí sinh qua số điện thoại, nhà trường nhấn mạnh các đơn vị chức năng của trường chỉ liên hệ sinh viên, phụ huynh bằng số điện thoại bàn đầu số (028) và luôn luôn đề nghị sinh viên, phụ huynh liên hệ trực tiếp tại các phòng ban chức năng của nhà trường để giải quyết các vấn đề. Theo đó, nhà trường không liên hệ bằng số điện thoại di động cá nhân, không yêu cầu sinh viên tự giải quyết vấn đề với bên thứ ba.
Nếu nghi ngờ dấu hiệu mạo danh, thí sinh, sinh viên và phụ huynh có thể liên hệ đến văn phòng khoa, cố vấn học tập hoặc hộp thư điện tử để được xác thực thông tin.
Nếu được yêu cầu đóng tiền/chuyển tiền học phí hoặc các lệ phí khác cho nhà trường từ các kênh thông tin không chính thống, không rõ ràng (ví dụ qua điện thoại, tin nhắn Zalo, các trang nhóm không do nhà trường quản lý…), kể cả có ảnh văn bản có mộc đỏ, thí sinh, sinh viên và phụ huynh cũng nên liên hệ các kênh thông tin chính thống của nhà trường để xác thực thông tin.
Tương tự, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cũng đăng thông tin cảnh báo giả mạo tài khoản ngân hàng của trường để yêu cầu tân sinh viên chuyển khoản phí nhập học.
Lừa đảo mua bán suất ở ký túc xá
Ngày 26/8, Trường Đại học Phenikaa cho biết ban quản lý ký túc xá của trường nhận được thông tin đang có một số tài khoản mạng xã hội giả danh giảng viên, nhân viên của Trường Đại học Phenikaa để lừa đảo mua bán suất ở tại ký túc xá. Nhà trường khẳng định không có việc mua bán, nhường chỗ ở trong ký túc xá.
Trường Đại học Phenikaa lưu ý sinh viên chỉ thực hiện chuyển khoản tiền ở ký túc xá khi nhận được email xác nhận tạm đủ điều kiện ở ký túc xá và kiểm tra chính xác số tài khoản chuyển tiền thuộc sở hữu của Trường Đại học Phenikaa. Tuyệt đối không chuyển tiền cho tổ chức/cá nhân khác. Nếu phát hiện, trường hợp nào tự nhận là cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường gợi ý/mua bán suất ở ký túc xá, đề nghị các sinh viên gửi thông tin về Ban Quản lý ký túc xá để nhà trường có biện pháp xử lý.
Trường Đại học Phenikaa cảnh báo lừa đảo mua bán chỗ ở ký túc xá. Ảnh: A.N |
Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cũng thông báo trên trang Facebook chính thức về việc một số đối tượng yêu cầu sinh viên chuyển khoản để đặt cọc ký túc xá hoặc sử dụng dịch vụ khác của trường. Nhà trường khẳng định đây là hình thức lừa đảo trực tuyến và cảnh báo sinh viên tuyệt đối không được chuyển khoản vào bất kỳ tài khoản cá nhân nào qua mạng.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh cho biết, một số cá nhân quảng cáo các khóa học tiếng Anh, tin học và công việc đa cấp thông qua việc tư vấn cho sinh viên nên sinh viên cần phải cẩn trọng trước những lời giới thiệu này.
"Quý phụ huynh và các em học sinh không tham khảo các nguồn tin công bố không chính thống, tuyệt đối không nhấn vào các đường dẫn nằm ngoài các kênh, nhóm nhà trường liệt kê để tránh bị kẻ xấu lợi dụng xâm nhập, đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân", Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
Trước thềm năm học mới, nhiều đối tượng xấu thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của tân sinh viên, thực hiện các chiêu trò lừa đảo khác nhau. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin có sinh viên nhận được tin nhắn giả danh trường học để lừa đảo sinh viên, các trường đều đưa ra khuyến cáo sinh viên cần lưu ý chỉ truy cập trang thông tin chính thức của trường để nắm bắt thông tin, nói không với việc chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân.
(Còn nữa...)
Bán tour du lịch online “ảo”, chiếm đoạt tiền tỷ | |
Cảnh giác với cuộc gọi giả danh nhân viên giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản | |
Hành vi lợi dụng vấn đề tâm linh để lừa đảo sẽ bị xử lý ra sao? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại