Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận, đồng ý "rót" vốn của PVN vào Oceanbank
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo cáo buộc của cơ quan tố tụng, với 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị thiệt hại.
Tại văn bản số 8280/NHNN-TTGSNH ngày 29-10-2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và văn bản số 5988/BTC-TCDN ngày 9-5-2017 của Bộ Tài chính trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, xác định: “… việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần bắt buộc tại Oceanbank với giá bằng 0 đồng sẽ dẫn đến PVN phải ghi nhận một khoản lỗ khá lớn tương đương 800 tỷ đồng…”.
Khi Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ vốn góp của các cổ đông của Oceanbank với giá 0 đồng thì quyền và nghĩa vụ của các cổ đông Oceanbank chấm dứt, trong đó có PVN.
Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN và các đồng phạm trọng đó Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.
Trả lời HĐXX về vấn đề này, ông Thăng thừa nhận, đồng ý góp vốn của PVN và Oceanbank, tối đa 20%. Bị cáo cho rằng, thỏa thuận này được ký trước khi HĐQT có ý kiến và không có giá trị pháp lý.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời tòa, ảnh chụp qua màn hình tivi |
Việc ký chủ trương đồng ý góp vốn vào Oceanbank giải quyết được hệ lụy là trước đó PVN có ý định thành lập ngân hàng của ngành dầu khí. Tuy nhiên do thời điểm đó, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát, PVN phải dừng việc thành lập ngân hàng ngành dầu khí. Và PVN chuyển sang góp vốn vào Oceanbank.
HĐXX hỏi, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó TGĐ PVN, từng có báo cáo đánh giá về năng lực của Oceanbank là yếu, thanh khoản kém nhưng bị cáo vẫn quyết định việc góp vốn vào ngân hàng này?
“Báo cáo của anh Sự nói rất rõ thực trạng của Oceanbank. Bị cáo cũng biết nhưng Oceanbank vốn thấp, khả năng thanh khoản thấp nên mới có nhu cầu tăng vốn. PVN mới có điều kiện góp vốn vào ngân hàng này” – bị cáo Thăng đáp.
Ông Thăng khai, đối với Oceanbank, khả năng thanh khoản thấp, nhưng sau khi tăng vốn thì khả năng thanh khoản sẽ tăng lên. Ngân hàng này có khả năng phát triển và thực tế, sau 2 năm đã khác. PVN cũng đã 2 lần được chia cổ tức và khoản đầu tư của PVN vào Oceanbank là có hiệu quả.
Theo cáo trạng, lần 3, PVN góp thêm 100 tỷ đồng theo Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN ngày 16-5-2011, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank.
Về lần góp vốn này, tòa hỏi và bị cáo Thăng đáp rằng, bận nhiều việc, lúc đó sắp chuyển công tác phải làm nên không đọc hết tài liệu, không biết đến Nghị quyết 4266. Theo bị cáo, Nghị quyết của HĐTV phê duyệt các dự án, không có khoản 100 tỷ đồng. Bị cáo không biết, chứ biết đã có chỉ đạo.
Trong khi bị cáo Thăng phủ nhận thì người làm chứng Nguyễn Thị Thủy Tiên, Phó Chánh văn phòng tổ trưởng tổ thư ký HĐTV khai, về Nghị quyết 4266, khi bị cáo Thăng đi công tác về, bà có chuyển cho thư ký của Chủ tịch HĐTV. Tại hồ sơ lưu giữ thể hiện, đã báo cáo ông Thăng. Thư ký của ông Thăng có 3 người và bà Tiên và bà đã chuyển cho bà Bùi Hà Châu.
Đối chất tại tòa, bà Bùi Hà Châu nói, có nhận văn bản này và đã chuyển. Thường khi nhận lại từ ông Thăng thì sẽ nhận được bản có ký hiệu “R”. Trước những câu hỏi của HĐXX, bị cáo Thăng thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Liên quan đến Nghị Quyết 4266, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng thừa nhận đã ký Nghị quyết số 4266 trên cơ sở HĐTV ký đồng ý.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại