Đại diện VKSND khẳng định, có "mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, VKSND TP Hà Nôi đối đáp các nội dung sau:
PVC không đủ năng lực!
Thứ nhất, việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu EPC có đủ năng lực hay không? Về năng lực tài chính, để đánh giá tình hình tài chính của PVC phải xét trên tổng thể chung.
Từ năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, PVC khó khăn về cân đối nguồn vốn đầu tư, trả nợ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới áp lực PVC phải sử dụng nguồn tiền tạm ứng của dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào mục đích trả nợ, thực hiện dự án đầu tư dài hạn khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2010 của PVC, thời điểm ngày 31-12-2009, tức đầu năm 2010, nợ ngắn hạn là 1.982 tỷ đồng, chiếm 93,8% tổng nợ phải trả cho DN; vốn dài hạn là 1.830 tỷ đồng. Sau khi bố trí cho đầu tư tài chính dài hạn và xây dựng cơ bản dở dang chỉ còn lại 286 tỷ đồng…
Ngay trong năm 2010, PVC đã khó khăn về nguồn vốn để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của PVFE tại một số dự án. Như vậy, tính đến thời điểm ký kết Hợp đồng số 33, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của PVC các năm 2009 và 2010 không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính theo quy định.
Các bị cáo tại tòa tòa |
Về năng lực kinh nghiệm, PVC không đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu. Chính bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa thừa nhận, PVC không đủ năng lực thực hiện EPC NMNĐ Thái Bình 2, thời điểm đó, chỉ có Lilama là có đủ năng lực.
Từ việc không có năng lực tổng thầu, trong phần luận tội, VKSND chỉ ra những hệ lụy: Dự án thi công kéo dài gấp đôi, nếu phạt hợp đồng sẽ lên tới hàng trăm triệu USD, PVC cũng phải chịu chi phí phát sinh lớn (155 tỷ đồng/năm).
Thứ 2, vấn đề các bị cáo có biết hay do thiếu trách nhiệm nên không biết Hợp đồng số 33 không có cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện để tạm ứng trái quy định? Điểm mấu chốt là ngày 24-2-2011, chính bị cáo Đinh La Thăng đã ký và biết được dự án đầu tư điều chỉnh chưa được lập vì thiết kế cơ sở là bước thiết kế đầu tiên làm cơ sở cho việc lập dự án đầu từ.
Vậy mà chỉ 4 ngày sau, PVPower và PVC ký Hợp đồng số 33. Thời điểm này chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có tổng dự toán, chưa có hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu theo quy định. Chính vì vậy, Hợp đồng số 33 có nhiều nội dung được điền trong hợp đồng nhưng không có thật.
Đại diện VKSND TP Hà Nội, giữ quyền công tố tại tòa phát biểu quan điểm, ảnh: TTXVN |
Theo chỉ đạo của bị cáo Thăng, ngày 13-5-2011, Nguyễn Quốc Khánh thay mặt PVN cùng với PVPower và PVC ký Hợp đồng 4194 chuyển đổi chủ thể Hợp đồng số 33 từ PVPower sang PVN.
Hợp đồng này cũng chỉ có 2 trang với nội dung PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của PVPower tại Hợp đồng số 33 kể từ ngày 1-4-2011. Việc ký hợp đồng EPC như trên, cùng với việc PVN tạm ứng tiền cho PVC trái pháp luật, trái quy định cho thấy thực chất việc ký hợp đồng không phải là để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện thi công gói thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2 mà chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa việc chuyển tiền cho PVC sử dụng sai mục đích.
Xem xét để đề nghị giảm án cho một số bị cáo!
Thứ 3, việc PCV thu hồi 1.240 tỷ đồng là thu hồi nội bộ tại PVC không liên quan đến việc thu hồi tiền tạm ứng của Chủ đầu tư (PVN) đối với số tiền đã ứng cho PVC nhưng không sử dụng vào dự án. Đến ngày 20-3-2012, chủ đầu tư mới thu hồi được 172 tỷ đồng trong tổng số 196 tỷ đồng và 6,6 triệu USD vào dự án.
Như vậy trong thời gian từ ngày PVN ứng tiền cho PVC cho đến ngày PVN có công văn thu hồi tiền tạm ứng PVC sử dụng sai mục đích thì PVC đang chiếm dụng của PVN 1.115 tỷ đồng, không có căn cứ cho rằng, PVC đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như các luật sư và bị cáo nêu.
Thứ 4, về hậu quả thiệt hại, số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng theo kết luận giám định là có căn cứ và hợp lý.
Thứ 5, về vấn đề có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ án, xét về mối quan hệ, bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh đều do bị cáo Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc tiếp nhận về PVN và được cất nhắc, bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt của PVC.
Xuất phát từ mối quan hệ sẵn có và như phân tích, đề cập ở trên, dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn về tài chính, không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm thực hiện thi công dự án NMNĐ Thái Bình 2 để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng vẫn ưu ái bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu.
Sau đó, chỉ đạo cho các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC để cho bị cáo Thanh và các đồng phạm tại PVC sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước. Qua đó, thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm của các bị cáo.
Thứ 6, về thái độ khai báo của các bị cáo, đại diện VKSND có quan điêm thay đổi và bổ sung cụ thể: Đối với bị cáo Bùi Mạnh Hiển, quá trình điều tra và tại phiên tòa ngoài các tình tiết giảm nhẹ được nêu trong luận tội của VKSND, bị cáo còn có tình tiết giảm nhẹ là tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, theo khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2016, chỉ phải chịu trách nhiệmh về 2,7 tỷ đồng trong tổng số tiền tham ô 13 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Đình Mậu vai trò phạm tội có mức độ; Lương Văn Hòa, Phạm Tiến Đạt có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật giải quyết sớm vụ án.
Do đó, VKSND đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho các bị cáo này so với mức đề nghị trước đó của VKSND. Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, VKSND cũng đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét giảm nhẹ.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND phát biểu, không đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt phải liên đới bồi thường thiệt hại hơn 119 tỷ đồng. Các vấn đề khác, VKSND vẫn giữ nguyên quan điểm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại