Thứ bảy 27/04/2024 11:43

NATO đang “chết não”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg từng khẳng định đây là “liên minh thành công nhất trong lịch sử”. Điều này có thể đúng, nhưng NATO cũng có thể đang ở bên bờ vực suy tàn. Sau giai đoạn vài năm bất ổn, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo Mỹ ngày càng xa khỏi NATO, giờ đây căng thẳng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đang leo thang nghiêm trọng. Những điều này đã phơi bày sự yếu kém của NATO.

Tranh cãi giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xảy ra vào giữa tháng 6, khi một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Pháp dưới sự chỉ huy của NATO tại Địa Trung Hải đã cố gắng thăm dò một tàu chở hàng bị nghi ngờ là vi phạm lệnh cấm chờ hàng mà Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt với Lybia. Pháp cáo buộc ba tàu của Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu chở hàng này tiến sát tàu khu trục của họ một cách “cực kỳ hung hăng”, nháy đèn rađa đến ba lần - một tín hiệu thể hiện một cuộc giao chiến sắp bắt đầu. Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ chỉ trích của Pháp, tuyên bố rằng tàu khu trục của Pháp đã quấy rối các tàu của họ.

Dù chi tiết sự việc như thế nào thì thực tế là hai đồng minh NATO này đã tiến rất gần đến việc giao chiến với nhau ngay trong bối cảnh một sứ mệnh của NATO. Đó là một sự sa sút mới đối với liên minh này – sự sa sút có thể báo hiệu cho một sự kết thúc của liên minh.

nato dang chet nao
Một đoàn xe quân sự của NATO. Ảnh tư liệu

Ông Lord Hastings Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của NATO, từng nổi tiếng với câu châm biếm rằng sứ mệnh của liên minh là “tránh xa người Nga, giữ người Mỹ ở lại và hạ bệ người Đức”. Động cơ này đã thay đổi một cách rõ rệt trong những thập kỷ sau đó, đặc biệt là trong mối quan hệ với Đức. Tuy nhiên, nền tảng tổng thể của sự hợp tác - một mối đe dọa được nhận thức chung, vị thế lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ, và một mục tiêu ý chí chung- vẫn còn nguyên vẹn.

Không có sự lãnh đạo của Mỹ, cấu trúc tổng thể của NATO đang có nguy cơ sụp đổ. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp xảy ra chỉ vài ngày sau khi người ta phát hiện ra rằngông Trump đã không tham khảo trước ý kiến của các đồng minh NATO mà tự ý quyết định rút hàng nghìn lính Mỹ ra khỏi Đức. Đức đã không còn ở tiền tuyến như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song các lực lượng của Mỹ ở đó vẫn hoạt động như một lực lượng răn đe mạnh mẽ Nga ở dọc sườn phía Đông của NATO. Bằng cách giảm bớt quy mô các lực lượng này, ông Trump đã gửi đi một thông điệp sâu sắc: đảm bảo an ninh cho châu Âu không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Mặc dù việc Mỹ tách ra khỏi châu Âu được đẩy nhanh dưới thời Tổng thống Trump, nhưng thực tế xu hướng này đã bắt đầu từ cách đây một thập kỷ. Vào năm 2011, khi người tiền nhiệm của Trump là Barack Obama quảng bá chiến lược “xoay trục sang châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã cảnh báo rằng trừ khi NATO chứng tỏ được bản thân là thích đáng, nếu không Mỹ có thể sẽ không quan tâm nữa. NATO đã không làm được điều này: cho đến tận tháng 12 năm ngoái, các tuyên bố từ hội nghị thượng đỉnh của liên minh thậm chí vẫn không thể thừa nhận các thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra. Kể từ đó, Mỹ đã không còn quan tâm đến khối này nữa. Và giờ đây, dưới thời Trump, sự thờ ơ này đã trở thành thái độ chống đối công khai.

Thiếu Mỹ làm đầu tàu, các đồng minh NATO đã bắt đầu đi theo các hướng khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ rõ ràng nhất. Trước cuộc cãi vã gần đây nhất với Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua một hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Thêm vào đó, nước này còn can thiệp vào Lybia, cung cấp hỗ trợ không quân, vũ khí và máy bay chiến đấu cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc tại Tripoli.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có vẻ tự tin rằng mối quan hệ trực tiếp của ông với Trump sẽ bảo vệ ông khỏi phải hứng chịu bất kỳ hậu quả nào vì cách hành xử của mình. Quyết định của Trump không áp đặt trừng phạt vì thương vụ mua tên lửa nói trên, ngoại trừ việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35, dường như đang chứng minh rằng lập luận của ông Erdogan là đúng.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không phải nước duy nhất gây chú ý: Pháp cũng đã làm điều tương tự, trong đó có cả các hành động ở Lybia. Bằng cách cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho Tướng Khalifa Hafta, người đang kiểm soát Đông Lybia và được Nga hậu thuẫn, Pháp đã đi ngược lại các đồng minh NATO của mình.

Trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, Pháp càng khẳng định sự cần thiết hơn bao giờ hết của một cách tiếp cận của châu Âu trong vấn đề an ninh và quốc phòng. Thực tế rằng sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Macron tại Pháp đang giảm dần càng làm gia tăng thái độ sốt sắng của ông. Đặt các động cơ chính trị sang một bên, Macron đã lớn tiếng nói về điều mà chỉ một số ít các nước khác thừa nhận, đó là NATO đang “chết não”, bởi cam kết bảo vệ các đồng minh Mỹ của Trump hiện đang rất mơ hồ. Với thực tế là việc Mỹ tách khỏi NATO đã bắt đầu từ trước khi Trump lên cầm quyền, khó có lý do nào đủ để tin rằng xu hướng này sẽ bị đảo ngược, mặc dù nó có thể diễn ra chậm hơn nếu ông thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Trừ khi châu Âu bắt đầu suy nghĩ về bản thân với tư cách là một thế lực địa chính trị và tự chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình, như Macron lập luận, liên minh này “sẽ không còn kiểm soát được số phận của mình nữa”.

Tháng 12-2019, NATO đã kỷ niệm 70 năm củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, những rạn nứt trong liên minh đang ngày càng sâu sắc, làm dấy lên những hoài nghi nghiêm trọng về việc liệu khối này có đạt được mốc kỷ niệm 75 năm hay không.

Hồng Phúc
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động