Thứ bảy 27/04/2024 05:40

Trẻ nghe kém có thể mất khả năng ngôn ngữ, dấu hiệu nhận biết sớm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghe kém ở trẻ em sẽ dẫn đến giảm hoặc mất khả năng phát triển lời nói và ngôn ngữ (trẻ có thể khó diễn đạt hoặc bị câm). Phát hiện sớm nghe kém và áp dụng phương pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ nghe kém có thể mất khả năng ngôn ngữ, dấu hiệu nhận biết sớm
Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng (ảnh minh hoạ)

Nghe kém là tình trạng giảm một phần hay toàn bộ khả năng thu nhận và hiểu ý nghĩa của âm thanh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020, hơn 5% dân số thế giới bị nghe kém, trong số này trẻ em chiếm 9%. Việt Nam là nước thuộc khu vực có tỷ lệ nghe kém cao, ước tính hàng năm có từ 1.200 đến 1.400 trẻ nghe kém ra đời.

ThS-BS. Nguyễn Chí Hiểu, khoa Tai Mũi Họng, BV Bạch Mai cho biết, nguyên nhân dẫn đến nghe kém ở trẻ có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải trong quá trình phát triển. Với nguyên nhân bẩm sinh,xuất hiện khi trẻ sinh ra chiếm khoảng 50% các trường hợp nghe kém bẩm sinh, do di truyền gen đột biến gây nghe kém từ bố mẹ.

Hoặc do dị dạng bẩm sinh của tai ngoài, tai giữa, tai trong; Người mẹ trong quá trình mang thai bị nhiễm trùng (rubella, giang mai), nhiễm độc do phải dùng một số loại thuốc (kháng sinh aminoglycosides, lợi tiểu, điều trị sốt rét, …).

Do yếu tố nguy cơ: Ngạt trong quá trình chuyển dạ, trẻ đẻ non, thiếu cân.

Với nguyên nhân mắc phải (nghe kém xuất hiện trong quá trình trẻ phát triển) có thể do nhiễm trùng khi trẻ bị viêm tai giữa cấp, mạn tính giảm khả năng dẫn truyền âm thanh từ môi trường vào tai trong do dịch hoặc mủ ở tai giữa, màng nhĩ thủng, gián đoạn hoặc cố định chuỗi xương con, viêm gây tổn thương tai trong;

Do viêm màng não: khoảng 10% trẻ bị nghe kém tiếp nhận ở mức độ khác nhau sau viêm màng não; viêm do virus: sởi, thuỷ đậu, quai bị…; Nhiễm độc: đặc biệt là các kháng sinh aminoglycoside như gentamycin, tobramycin.

Chấn thương vùng đầu, tai: gây tổn thương tai, dây thần kinh thính giác và não; Do tiếng ồn: âm thanh có cường độ trên 115 dB có thể gây điếc hoặc nghe kém cho trẻ em dù chỉ tiếp xúc 1 lần trong thời gian từ 3 đến 15 phút.

Việc một đứa trẻ nghe kém trong một thời gian dài nếu không được phát hiện và can thiệp sẽ dẫn đến giảm hoặc mất khả năng phát triển lời nói và ngôn ngữ (trẻ có thể bị câm). Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện nghe kém ở trẻ. Cụ thể:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Không cử động, khóc hay phản ứng với tiếng động lớn; không quay đầu theo hướng có giọng nói; không bị đánh thức dậy bởi âm thanh lớn.

Trẻ từ 6 tới 12 tháng tuổi: Không có phản ứng gì trước tiếng nói của người thân; không bập bẹ hay ậm ừ; không hiểu một số từ đơn giản như “chào” hay “vỗ tay” ở 12 tháng; không có phản ứng như quay đầu về phía phát ra âm thanh; không có phản ứng khi nghe gọi tên mình.

Trẻ từ 12 tới 18 tháng tuổi: Không quay chính xác về hướng có tiếng gọi mình; không phản ứng với các âm thanh; không bắt đầu bằng việc bắt chước và sử dụng các từ đơn giản như “ba”, “bà”…; không nghe được tivi ở mức âm lượng bình thường.

Trẻ 2-3 tuổi: Không thể làm theo yêu cầu bằng lời nói mà thiếu gợi ý bằng hình ảnh, hành động; không thể nhắc lại các cụm từ đơn giản; không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh; không hiểu và không sử dụng được những từ đơn như: đi, con, to, lớn…

Trẻ 4-5 tuổi: Không thể kể ra một vài việc chúng làm gần đây; không thể thực hiện được một cuộc trò chuyện đơn giản; trẻ nói những câu rất khó hiểu.

Lứa tuổi đến trường: Thiếu tập trung, hay lơ là, học lực giảm sút; thu mình lại với các giao tiếp bên ngoài và biểu hiện “những hành động phản kháng” mạnh mẽ vì nghe kém nên liên tục bị hiểu nhầm;

"Nếu phụ huynh thấy con em mình có một trong những biểu hiện trên, hãy đưa con đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt. Thời điểm “vàng” để can thiệp giúp trẻ nghe kém có thể nghe tốt hơn và phát triển ngôn ngữ bình thường là trước 24 tháng tuổi", BS. Hiểu khuyến cáo.

Cô giáo người Nùng - người mang thanh âm cuộc sống đến với nhiều trẻ câm điếc Hà Nội
Nghi án người phụ nữ câm điếc bị sát hại, cướp tài sản
Nghi phạm sát hại bé trai 11 tuổi ở Nam Định bị câm, điếc
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động