Thứ tư 08/05/2024 08:14

Dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém cần đi khám ngay

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trẻ nghe kém không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn hạn chế khả năng giao tiếp. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém:

Dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém

Dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém xảy ra đột ngột hoặc diễn biến nặng dần theo thời gian; có khi nghe kém từng đợt hoặc nghe kém liên tục; có lúc chỉ bị nghe kém tạm thời, nhưng cũng có thể bị nghe kém lâu dài; nghe kém mức độ nhẹ, trung bình hay nặng mà chúng ta gọi là điếc.

Cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ để có thể nhận thấy những dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém sau đây:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi:

Không cử động, khóc hay phản ứng với tiếng động lớn.

Không quay đầu theo hướng có giọng nói.

Không bị đánh thức dậy bởi âm thanh lớn.

Trẻ từ 6 tới 12 tháng tuổi:

Không có phản ứng gì trước tiếng nói của người thân.

Không bập bẹ hay ậm ừ.

Không hiểu một số từ đơn giản như “chào” hay “vỗ tay” ở 12 tháng.

Không có phản ứng như quay đầu về phía phát ra âm thanh.

Không có phản ứng khi nghe gọi tên mình.

Trẻ từ 12 tới 18 tháng tuổi:

Không quay chính xác về hướng có tiếng gọi mình.

Không phản ứng với các âm thanh.

Không bắt đầu bằng việc bắt chước và sử dụng các từ đơn giản như “ba”, “bà”…

Không nghe được tivi ở mức âm lượng bình thường.

Trẻ 2-3 tuổi:

Không thể làm theo yêu cầu bằng lời nói mà thiếu gợi ý bằng hình ảnh, hành động.

Không thể nhắc lại các cụm từ đơn giản.

Không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh.

Không hiểu và không sử dụng được những từ đơn như: đi, con, to, lớn…

Trẻ 4-5 tuổi:

Không thể kể ra một vài việc chúng làm gần đây.

Không thể thực hiện được một cuộc trò chuyện đơn giản.

Trẻ nói những câu rất khó hiểu.

Lứa tuổi đến trường:

Thiếu tập trung, hay lơ là, học lực giảm sút.

Thu mình lại với các giao tiếp bên ngoài và biểu hiện “những hành động phản kháng” mạnh mẽ vì nghe kém nên liên tục bị hiểu nhầm.

Nếu phụ huynh thấy con em mình có một trong những biểu hiện trên, hãy đưa con đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt. Thời điểm “vàng” để can thiệp giúp trẻ nghe kém có thể nghe tốt hơn và phát triển ngôn ngữ bình thường là trước 24 tháng tuổi.

Khi nghi ngờ trẻ bị nghe kém, trẻ cần được đưa đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt.

Điều trị thế nào khi trẻ nghe kém

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại giúp phát hiện và đánh giá chính xác tình trạng nghe kém của bệnh nhân. Điều trị nghe kém cho trẻ gồm những biện pháp sau:

- Phẫu thuật: đặt ống thông khí tai giữa, tạo hình tai ngoài, tai giữa, chỉnh hình chuỗi xương con dị dạng, cấy máy trợ thính đường xương, cấy ốc tai điện tử, cấy điện cực thính giác thân não.

- Trợ thính: đeo máy trợ thính đường khí, đường xương.

- Ngôn ngữ trị liệu: dạy nói, kí hiệu bằng động tác, …

Nghe kém là giai đoạn đầu của điếc, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể dẫn đến giảm thính lực mạn tính hoặc tệ hơn là điếc vĩnh viễn. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, những người nghe kém có thể gặp phải tình trạng trầm cảm, bất ổn về tâm lý, cảm thấy chán nản, luôn tự ti, nhận thấy bản thân vô dụng. Gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác, cảm thấy tự ti giao tiếp do đó sẽ luôn khép mình, thu hẹp phạm vi quan hệ xã hội, đánh mất cơ hội phát triển của bản thân. Luôn cảm thấy lo lắng, bất an, không tin tưởng chính mình, sợ người khác tức giận do mình nghe kém,...

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động