Người khởi kiện phải bồi thường 60 triệu đồng cho 20 tác phẩm âm nhạc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.N |
Trong vụ kiện hành chính này, người bị kiện là Sở Văn hóa – Thông tin (VH - TT) TP Hà Nội.
Theo đại diện của Cty Vietart (người khởi kiện), Cty đã nộp hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình Ngôi sao phương Nam số 10: “Tiếng trống Mê Linh” trước hơn 2 tháng so với thời điểm dự kiến biểu diễn. Theo quy định của pháp luật, hồ sơ cấp phép được trả lời trong 5 ngày.
Tuy nhiên, việc xin cấp phép biểu diễn này kéo dài tới mức, khi nhận được giấy phép, việc thực hiện thủ tục xin cấp phép quảng cáo cho chương trình không còn kịp. Cty cho biết, không đủ thời gian để quảng cáo, bán vé, họ đã chỉ bán được 200/1.100 vé. Sau đó, để động viên tinh thần nghệ sĩ, số vé không bán được đã mang đi tặng để lấp kín chỗ ngồi tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào hai đêm 15 và 16/10/2022.
Do đó, Cty Vietart đã khởi kiện Sở VH - TT TP Hà Nội cho rằng, quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, Sở VH - TT có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính. Cty Vietart nêu, những hành vi này vi phạm quy định tại điểm a và đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2018/NĐ - CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Phía Cty Vietart cũng nêu một số vấn đề họ cho là không hợp lý trong quá trình cấp phép khác. Trong đó, có yêu cầu đơn vị này phải chỉnh sửa nội dung vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” - một vở cải lương mẫu mực, được dàn dựng công phu, có nội dung tôn vinh lòng yêu nước qua hình tượng Hai Bà Trưng, đồng thời cũng tôn vinh cả tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đơn vị này yêu cầu Sở VH - TT TP Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra hơn 672 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Sở bồi thường thiệt hại về danh dự trị giá… 1.000 đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, đại diện ủy quyền của bên bị kiện có đơn xin vắng mặt tại tòa và gửi bản luận cứ tới Hội đồng xét xử (HĐXX). Văn bản của Sở VH - TT TP Hà Nội nêu: Sở có quy định về chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc Sở. Trong đó, Phòng Quản lý nghệ thuật có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định pháp luật. Sở cũng dẫn ra việc chuyên viên thụ lý cho rằng, rất có thể Cty Vietart chưa xin phép và chưa được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép nên ra công văn yêu cầu Cty Vietart thực hiện quyền này…
HĐXX đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu của Cty Vietart bao gồm: yêu cầu Sở VH - TT TP Hà Nội bồi thường thiệt hại 672.831.879 đồng chi phí sản xuất chương trình; 1.000 đồng bồi thường danh dự cho Cty Vietart; đề nghị Sở VH - TT TP Hà Nội xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bản án sơ thẩm xác định, Cty Vietart đã xâm phạm quyền tác giả đối với 20 bài hát đã sử dụng trong đêm nhạc. Từ đó giữ nguyên quan điểm của cấp sơ thẩm, đề nghị Cty Vietart xin lỗi tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Cùng với đó, bản án sơ thẩm cũng buộc Cty Vietart bồi thường thiệt hại cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả hơn 205 triệu đồng (hơn 10 triệu đồng/bài).
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 21/3, HĐXX phúc thẩm xác định, Cty Vietart đã xâm phạm quyền tác giả 20 bài hát, phải có nghĩa vụ bồi thường cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Các văn bản mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả xuất trình không thể hiện căn cứ tính giá. Trong khi đó, Cty Vietart lại đồng ý thanh toán cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả 3 triệu đồng/bài, dù doanh thu của chương trình chỉ được hơn 200 triệu đồng.
HĐXX phúc thẩm chấp nhận ý kiến tự nguyện của Cty Vietart, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, Cty Vietart phải bồi thường 60 triệu đồng cho 20 tác phẩm âm nhạc đã xâm phạm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại