Thứ sáu 26/04/2024 10:49

Lắt léo từ những việc làm online mùa dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vào vai một người muốn xin làm việc online tại nhà như lời rao trên facebook, phóng viên được đối tượng gửi cho video hướng dẫn công việc đồng thời rất nhiều những hứa hẹn sẽ nhận được mức thu nhập tương đối. Nhưng để thực hiện công việc trên, trước hết phải nộp cho họ một mức phí…
Lắt léo từ những việc làm online mùa dịch
Những tuyển dụng trên mạng xã hội

Muốn làm việc phải… nộp phí

Không khó để tìm được những dòng đăng tuyển người làm online tại nhà với mức lương từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày trên mạng xã hội. Các công việc mà những tài khoản tuyển dụng rất đơn giản, thường là công việc viết nhận xét về sản phẩm. Theo các tài khoản này, mỗi nhận xét thành công, được phê duyệt người viết sẽ nhận được từ 10 – 20 nghìn đồng/một nhận xét vài chục từ.

Vào vai một người có nhu cầu tìm việc, phóng viên đã liên hệ với tài khoản Phương Thảo, ngay lập tức tài khoản này đã gửi cho phóng viên mô tả công việc và những hình ảnh minh chứng sự thành công của những người đã tham gia công việc trước đó. Theo đó, người này cho biết, công việc cần thực hiện của người làm sẽ là viết nhận xét sản phẩm cho một shop trên một sàn thương mại điện tử. Mỗi nhận xét thành công sẽ được trả từ 10 – 20 nghìn/bài. Hoặc có một công việc nữa là làm cộng tác viên chia sẻ link hoặc điền mẫu cho web, với công việc này thu nhập có thể lên đến 300 – 500 nghìn/ngày.

Phương Thảo cho biết, với các công việc nêu trên các đối tượng tham gia rất đa dạng, phù hợp với mẹ bỉm sữa, sinh viên, công nhân, dân văn phòng… muốn tăng thêm thu nhập. “Bạn chỉ cần rảnh 1 – 2 giờ đồng hồ 1 ngày là có thể làm được công việc này. Bạn làm càng nhiều thì càng được nhiều tiền” – Phương Thảo nói.

Để tăng thêm tính thuyết phục, Thảo gửi cho tôi ảnh màn hình chụp các đoạn đối thoại với những người theo Thảo là đã tham gia công việc, đồng thời gửi cả hình ảnh chuyển khoản cho những người trên. Giải đáp thắc mắc của phóng viên sao không mua sản phẩm mà vẫn có thể nhận xét về sản phẩm, người này không nói gì, chỉ đơn giản là người làm cần thực hiện đúng yêu cầu mà thôi.

Theo người này, đây là công việc mà nhiều người mơ ước bởi chủ động thời gian, chủ động thu nhập, đảm bảo công việc lâu dài. “Đặc biệt tiền về ngay trong ngày, bạn muốn rút lúc nào thì rút. Đặc biệt công ty còn tổ chức cuộc thi minigame có giá trị vô cùng lớn và có quà tặng hàng tháng cho học viên"– Thảo nói thêm.

Tuy nhiên, để được kích hoạt tài khoản, người làm cần phải… nộp lệ phí. Theo Phương Thảo, số tiền đó là số tiền để đào tạo học viên mới. “Lệ phí gồm khóa học, cấp tài khoản, cấp quyền để làm việc. Sau khi hoàn thành khóa học, có tài khoản bạn có thể kiếm tiền mãi mãi trên trang web. Lệ phí tham gia ứng tuyển là 960 nghìn, nhưng hiện đang giảm còn 396 nghìn cho 10 bạn đăng ký đầu tiên" – tài khoản Phương Thảo cho biết. Và bởi “chỉ còn 2 suất ưu đãi” nên Thảo liên tục thúc giục phóng viên cung cấp họ tên, số điện thoại cũng như gmail để đăng ký tài khoản và nhắc nhở phóng viên… chuyển tiền.

Lắt léo từ những việc làm online mùa dịch
Muốn vào làm phải mất phí đăng ký và đào tạo

Thực chất là một hình thức đa cấp

Chiêu trò này thực ra không mới, bởi trước đây đã rất nhiều người đã tham gia và mất oan số tiền họ đã đóng ban đầu. Chị N.N.B (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại, trước đó chị có tham gia công việc đánh giá sản phẩm được đăng tuyển trên mạng xã hội. Theo hướng dẫn chị đã nộp tiền đăng ký là 399 nghìn đồng. Sau khi chuyển khoản, chị bắt đầu tiếp cận công việc.

“Khi làm việc, tôi phải viết bình luận trên website với nội dung tối thiểu 80-90 từ, viết đúng chính tả, dấu câu, không được copy… Không nhất thiết phải dùng qua sản phẩm mới viết đánh giá được, cứ viết tốt hết là được". Sau đó đợi bình luận được duyệt thì mới nhận được tiền, nhưng với điều kiện phải đủ tối thiểu từ 300 - 500 nghìn trong tài khoản mới được rút tiền ra. Tuy nhiên, dù chị B cho biết, có viết bao nhiêu bình luận thì cũng không đủ lượng tiền tối thiểu để có thể rút.

Sau này chị B mới biết, thực chất công việc chị đang theo chỉ là hình thức, còn cái chính đó là tìm kiếm người để bán khóa học. Bản thân chị B khi tham gia hệ thống này chị mới biết, người mời được người khác đăng ký tham gia và nộp lệ phí sẽ được hưởng phí từ 100 – 200 nghìn đồng/người. “Thực chất đó là một hình thức kinh doanh đa cấp" – chị B nhận định.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Văn phòng Luật sư Hà Nội nhận định, lừa đảo việc làm theo hình thức online có thể xem là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu như người nào bằng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, thực tế nhiều người mặc dù biết bị lừa nhưng thường không tố cáo bởi họ cho rằng số tiền bị lừa không quá lớn. Đồng thời cũng vì tâm lý ngại ngần, sợ bị chỉ trích vì nhẹ dạ, cả tin… và đây chính là kẽ hở, gây khó khăn cho công tác điều tra các vụ án lừa đảo việc làm qua thông tin quảng cáo trên mạng và tạo điều kiện cho các đối tượng này tiếp tục lừa đảo và nghĩ ra các hình thức lừa đảo khác.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động