Tín dụng đen bủa vây khu công nghiệp, công nhân chịu lãi suất 730%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều công nhân chịu lãi suất cao khi vay qua app tín dụng đen. Ảnh minh họa: internet |
Bùng nổ hoạt động tín dụng đen trên không gian mạng
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của nhiều lao động gặp khó khăn. Lợi dụng điều này, tội phạm đã len lỏi, tấn công công nhân, người lao động với nhiều hình thức, trong đó nổi lên là tín dụng đen và lừa đảo qua mạng.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, công nhân đang là mục tiêu của các loại tội phạm như: đánh bạc trực tuyến, sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tệ nạn mại dâm, tín dụng đen trên mạng…
Hoạt động tín dụng đen trên không gian mạng bùng nổ, trong đó tập trung nhiều người vay là công nhân lao động. Các đối tượng nắm bắt nhu cầu vay tiền nhanh chóng của người lao động (NLĐ) để quảng cáo cho vay tiền với lãi suất hấp dẫn, chỉ cần chứng minh Nhân dân và sim điện thoại chính chủ, sau 10 phút đã được giải ngân tiền vào tài khoản.
Nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay qua app trực tiếp điều hành đội ngũ đòi nợ thuê kiểu xã hội đen với tính chất liều lĩnh, manh động. Đối với công nhân lao động nếu không trả tiền đúng hẹn, các đối tượng hoạt động tín dụng đen sẽ khủng bố điện thoại, đe dọa Tổng Giám đốc công ty hay Chủ tịch Công đoàn đề nghị thanh toán khoản nợ cho công nhân.
Theo thiếu tá Lê Anh Tuấn, hiện nay trên không gian mạng có hàng trăm ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) điện thoại di động, chủ yếu là 2 kho ứng dụng GooglePlay, AppStore.
Mô hình hoạt động của các hệ thống đường dây tín dụng trong nước đều có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của 3 nhóm: nhóm đối tượng người nước ngoài trực tiếp xây dựng, quản lý công nghệ, vận hành nền tảng hệ thống app cho vay; nhóm các công ty cho vay nặng lãi, trực tiếp sử dụng app cho vay; nhóm các công ty thực hiện chức năng thu chi hộ, trung gian thanh toán để giải ngân và thu nợ, lãi vay khách hàng.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh như chia nhỏ các bộ phận và làm việc ở các vị trí khác nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm; thường xuyên thay đổi đơn vị trung gian thanh toán, hỗ trợ việc giải ngân, thanh toán khoản vay khách hàng; quá trình hỗ trợ khoản vay, tư vấn chủ yếu liên hệ qua mạng xã hội, thông qua tài khoản hỗ trợ tư vấn, sử dụng các sim điện thoại “rác” để nhắc nợ, thu hồi nợ…
Lãi suất cho vay có thể lên đến 730%
Thiếu tá Lê Văn Ước - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, thành phố có khoảng 2,7 triệu công nhân, người lao động trực tiếp làm việc trong khoảng 300.000 doanh nghiệp.
Do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thu nhập giảm nên nhu cầu vay vốn của NLĐ ngày càng tăng cao nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các gói vay ưu đãi của công nhân còn hạn chế.
Thiếu tá Lê Văn Ước - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội. Ảnh: Tô Thế |
Năm 2023, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, xử lý hình sự 32 vụ, 118 đối tượng tín dụng đen. Quý I/2024, Công an TP đã phát hiện, điều tra khám phá 19 vụ, bắt giữ 82 đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen, tăng 15 vụ so với quý I/2023. Nổi lên là các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, các đối tượng chủ yếu hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức "bốc bát họ" và cho vay tín chấp với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.
Có 48/711 công ty tại 6/9 khu công nghiệp phản ánh bị các đối tượng quấy rối, đòi nợ liên quan tới khoảng 137 NLĐ, với 2 loại hình vay nợ chính.
Một là qua các công ty tài chính, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép như FE Credit, Mirae Asset, Vietcredit, Shinhan, Tiên Phong bank... Mặc dù đây là kênh chính thống của Nhà nước, lãi suất khoảng 20% đến 40%/năm, nhưng khi khách hàng nợ quá hạn, công ty tài chính, ngân hàng thường bán nợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua nợ xấu ngân hàng. Sau đó, các đơn vị này thông qua các tổ chức, cá nhân đòi nợ khác để thu hồi nợ gây ra các phức tạp liên quan tín dụng đen.
Hai là qua các ứng dụng trên điện thoại di động, các website cho vay tiền (tín dụng đen không được cấp phép) như DoctorDong, Vdong, ATMonline, My Đồng, Ví Cào Cào, Ví Liên Hoa, Tiền ơi, Tamo, Lentech... Một số trường hợp vay qua app mức lãi suất thực tế có thể lên tới 365% đến 730%/năm...
Để được duyệt hồ sơ vay, các đối tượng yêu cầu người vay phải cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng, nơi làm việc…), cài đặt ứng dụng và phải cấp quyền truy cập danh bạ trên điện thoại để các đối tượng có toàn bộ các số điện thoại liên hệ khi cần đòi nợ, đặc biệt là số điện thoại bàn của công ty, bộ phận hành chính nhân sự, quản lý sản xuất…
Một số trường hợp, các đối tượng yêu cầu người sử dụng phải đăng nhập tài khoản Icloud của các đối tượng trên điện thoại để các đối tượng khống chế, thu thập thông tin danh bạ, theo dõi vị trí của người vay để phục vụ việc thu hồi nợ. Sau khi được duyệt, các đối tượng sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc thông qua các ví điện tử, trung gian thanh toán khác (như Momo, Ngân lượng,…) để gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi truy vết, xác định nguồn tiền….
Tại Hà Nội đã xuất hiện một số hình thức tín dụng đen, cho vay tiền với phương thức, thủ đoạn hoạt động mới: thông qua các diễn đàn, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, người vay chỉ cần để lại số điện thoại, lời nhắn, bài đăng trong nhóm kín (Zalo, Facebook, Tiktok…). Đối tượng cho vay sẽ chủ động tiếp cận, liên hệ người vay tiền, sau đó người vay viết giấy vay nợ và giao cho xe ôm, người giao hàng chuyển cho đối tượng ở các quán nước vỉa hè; các đối tượng thuê tài khoản ngân hàng, tài khoản ảo để giao dịch, trong khi người vay không biết đối tượng cho vay.
Tuy nhiên, số lượng vụ việc tín dụng đen liên quan công nhân lao động được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít do công nhân và doanh nghiệp có tâm lý ngại phiền toái, không trình báo, không hợp tác cung cấp thông tin vì cho rằng số tiền ít, có thể tự trả được; sợ các đối tượng cho vay lãi nặng khống chế, đe dọa, trả thù…
Cần cẩn trọng với các app cho vay
Ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia khuyến cáo, trước mắt, NLĐ nên cẩn trọng với các app cho vay, có kỹ năng tự phòng ngừa khi dùng mạng xã hội.
"Mất facebook nguy hiểm hơn mất tài khoản ngân hàng vì mất tài khoản ngân hàng chỉ mất tiền, còn mất facebook có thể bị lộ, lọt thông tin, hình ảnh, kẻ gian dễ giả mạo người dùng lừa đảo bạn bè trong danh sách nhằm vay tiền. Thậm chí chúng cắt ghép thông tin, hình ảnh nạn nhân rồi giả danh đi lừa đảo hoặc mua bán thông tin ở "chợ đen" trên mạng” - ông Hiếu đưa ra cảnh báo.
Ông Hiếu cũng khuyên NLĐ không cài ứng dụng lạ, chỉ cài app chính thống đã được kiểm chứng; chỉ chia sẻ các bài viết ở chế độ bạn bè xem được, không để công khai; tăng bảo mật bằng cách thường xuyên đổi mật khẩu ứng dụng. Đặc biệt, không nên nhấp vào tệp đính kèm và liên kết trừ khi chắc chắn chúng đến từ nguồn hợp pháp, dùng trình quét email để xác minh trước khi mở.
Thời gian tới, đời sống việc làm của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Sự phát triển nhanh của các công ty công nghệ tài chính nói chung và công ty, app (ứng dụng) cho vay ngang hàng (P2P) nói riêng khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Đã xuất hiện nhiều hơn các tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình P2P để hoạt động tín dụng đen trá hình, cho vay lãi nặng, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp …
Do vậy, có ý kiến cho rằng cần phát động xây dựng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không có hoạt động tín dụng đen. Đồng thời tham mưu Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính Phủ ban hành các quy định về công tác quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay trực tuyến, cần coi đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ; thắt chặt quy định mở tài khoản, ví điện tử, phòng ngừa việc sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để đăng ký tài khoản giao dịch, thẻ ATM tại các ngân hàng, sau đó chuyển giao cho đối tượng khác sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật và có chính sách cho vay ưu đãi để công nhân không tìm đến tín dụng đen.
Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, hiện toàn TP có 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính tín dụng đen; trong đó có 657 cơ sở cầm đồ (có 10 cơ sở không phép), 109 cơ sở kinh doanh tài chính (có 22 cơ sở kinh doanh không có giấy phép), 54 cá nhân cho vay lãi suất cao và 11 công ty mua bán nợ. Năm 2023, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, xử lý hình sự 32 vụ, 118 đối tượng tín dụng đen; ngoài ra, đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an khám phá chuyên án 083N, bắt giữ 7 đối tượng. |
Khởi tố người phụ nữ cho vay lãi nặng lên đến 365%/năm | |
Triệt xóa nhiều ổ nhóm tín dụng đen trước thềm Tết Nguyên đán 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại