Thứ năm 10/10/2024 08:40
Hồi sinh “lá phổi xanh” của Thủ đô:

Kỳ 4: Vườn hoa, công viên được khoác áo mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước tình trạng một số công viên, vườn hoa trên địa bàn xuống cấp, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa. Thực hiện chủ trương của TP, quận Ba Đình đã tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các không gian công cộng, tạo thêm không gian xanh cho người dân.
Vườn hoa Vạn Xuân thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí . Ảnh: M.Miên
Vườn hoa Vạn Xuân thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí. Ảnh: M.Miên

Vườn hoa đầu tiên Hà Nội biểu diễn nhạc nước nghệ thuật

Sau đợt cải tạo, nâng cấp từ cuối năm 2023, vườn hoa Vạn Xuân (thường được gọi là vườn hoa Hàng Đậu) khoác lên mình diện mạo mới, khang trang. Công trình được UBND quận Ba Đình đầu tư với kinh phí 14 tỷ đồng nhằm cải tạo, chỉnh trang các hạng mục khuôn viên, ghế đá, thảm cây xanh, lắp đặt hệ thống điểm phun nước tự động, trình chiếu ánh sáng…

Công trình mới đưa vào sử dụng đã thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí. Nhờ diện tích sân chơi được mở rộng tạo không gian cộng đồng cho các hoạt động vui chơi ngoài trời. Điểm nhấn từ không gian biểu diễn nhạc nước nghệ thuật với 52 điểm phun được chia thành 4 hàng, hiệu ứng phun và màu sắc thay đổi theo giai điệu trở thành điểm đến yêu thích của người dân và trẻ nhỏ. Tầm cuối buổi chiều mỗi ngày, các em nhỏ được thỏa thích vui chơi dưới không gian nhạc nước sinh động.

Bà Lê Thị Linh (phố Hàng Than, Hà Nội) chia sẻ niềm phấn khởi về việc nâng cấp, cải tạo vườn hoa Vạn Xuân, người dân được thụ hưởng công năng sử dụng mới của công trình. Hiện công trình vườn hoa đang hoàn thiện các hạng mục về trồng cây xanh, xây dựng mới khu nhà vệ sinh cộng đồng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu vui chơi, giải trí, chơi thể thao của người dân.

Điểm nhấn kiến trúc của vườn hoa Vạn Xuân tôn vinh Tượng đài “Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh” cùng với việc chỉnh trang vườn hoa, UBND quận Ba Đình đang nghiên cứu, mở rộng, triển khai dự án cải tạo vườn hoa Vạn Xuân kết nối với Tháp nước Hàng Đậu trở thành quần thể văn hóa.

Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu mở cửa, đón du khách tham quan. Sau 12 ngày tổ chức, Tháp nước Hàng Đậu (Bốt Hàng Đậu) thu hút 30.000 lượt khách. Ghi nhận hiệu ứng từ người dân sinh sống trên địa bàn và du khách mong muốn Tháp nước Hàng Đậu sẽ được mở cửa kéo dài không chỉ hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Việc bảo tồn và phát huy giá trị, công năng của Tháp nước Hàng Đậu không chỉ dừng lại công trình kiến trúc tuổi đời lịch sử, còn khoác lên sứ mệnh lịch sử khác là giá trị di sản công nghiệp Thủ đô.

Diện mạo mới của vườn hoa Lê Trực sau cải tạo. Ảnh: M.Miên
Diện mạo mới của vườn hoa Lê Trực sau cải tạo. Ảnh: M.Miên

Nâng tầm cảnh quan đô thị

Với chủ trương thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị, xây dựng quận Ba Đình “Sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hiện đại” là một trong hai khâu đột phá của quận Ba Đình nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các không gian công cộng, các công trình vườn hoa, công viên nhằm phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.

Tháng 7/2023, công trình vườn hoa Lê Trực chính thức được khánh thành sau hơn 2 tháng cải tạo, nâng cấp. Sau khi được UBND quận Ba Đình đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, công trình vườn hoa Lê Trực tạo diện mạo mới, khang trang, không còn cảnh nhếch nhác, lộn xộn như trước đây. Bên cạnh mở rộng không gian, khuôn viên vườn hoa được cải tạo các hạng mục lát đá vỉa hè, đường dạo, bổ sung cây xanh, nhà vệ sinh công cộng, vườn hoa được trang bị hệ thống chiếu sáng điều khiển tự động nhằm tính toán kỹ lưỡng sự phát triển của cây xanh về ban đêm. Diện mạo mới, khang trang, vườn hoa Lê Trực trở thành không gian hữu ích cho người dân Thủ đô.

Tại Hội nghị giao ban Quý I/2024 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, họp bàn về công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình được TP Hà Nội giao quản lý 3 công viên: Bách Thảo, Indira Gandhi, Lenin và 12 vườn hoa. Trong đó, 2 công viên: Bách Thảo, Indira Gandhi đến nay đang lập quy hoạch chi tiết sẽ hoàn thành công viên Indira Gandhi trong năm 2024.

Đối với công viên Bách Thảo (cải tạo, nâng cấp mức độ 1) qua nghiên cứu có nhiều yếu tố văn hóa lịch sử gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê… như núi Khán, chùa Khán Sơn cần phải nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, xin ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để phục dựng các yếu tố lịch sử. Do đó, kế hoạch lập quy hoạch chi tiết dự kiến hoàn thành trong 2024, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật trong 2025.

Đối với 7 vườn hoa nằm trong Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 (Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, hồ Trúc Bạch, Bãi Nhãn, hồ Giảng Võ), hiện nay đã hoàn thành 6/7 vườn hoa. Riêng vườn hoa Giảng Võ, dự kiến triển khai sau khi quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ được phê duyệt, hoàn thành trong năm 2025.

Đánh giá hiện trạng các vườn hoa sau cải tạo, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, các vườn hoa sau cải tạo đều đảm bảo các tiện ích cơ bản phục vụ người dân, dự kiến UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp các đơn vị tài trợ lắp đặt wifi miễn phí.

Sau khi hoàn thành cải tạo các công viên, vườn hoa, quận Ba Đình đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng như triển lãm điêu khắc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, ca nhạc… Ngoài ra, quận chủ động đầu tư xây dựng các vườn hoa theo quy hoạch phân khu H1-2 được duyệt; đã hoàn thành 13 vườn hoa nhỏ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 8 vườn hoa trong các năm 2024-2025.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Khi hạ tầng công viên còn bất cập…
Kỳ 2: hàng quán kinh doanh bủa vây không gian xanh
Kỳ 3: Nghịch lý công viên nơi nhộn nhịp, nơi vắng khách
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động