Thứ ba 30/04/2024 01:53
Hồi sinh “lá phổi xanh” của Thủ đô:

Kỳ 1: Khi hạ tầng công viên còn bất cập…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từng được coi là “lá phổi xanh” của quận Cầu Giấy với quy mô lớn, hiện đại nhưng hiện nay hai công viên Cầu Giấy và công viên Nghĩa Đô đang xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục công trình bong tróc, hư hỏng, ảnh hưởng đến nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Hiện trạng mặt đường xuống cấp của công viên Nghĩa Đô. Ảnh: Mộc Miên
Hiện trạng mặt đường xuống cấp của công viên Nghĩa Đô. Ảnh: Mộc Miên

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Đầu tháng 4, chúng tôi đến công viên Nghĩa Đô nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên và Tô Hiệu, chứng kiến những hình ảnh vô cùng nhếch nhác. Công trình từng được coi là “lá phổi xanh” của quận Cầu Giấy, bởi quy mô và hệ thống khuôn viên rộng, có khu vui chơi cho trẻ em, khu vực tập thể thao, khu vực vườn hoa, hồ nước, cây xanh…. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào sử dụng, hiện một số hạng mục xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng chưa được duy tu, cải tạo.

Các nền gạch lát đường nhiều đoạn bị bong tróc, sụt lún, một số điểm bờ kè bị sạt, các bồn cây bị bong tróc gạch, đặc biệt hạng mục khu vui chơi cho trẻ em bị xuống cấp trầm trọng. Tại đây, khu vực thảm cỏ nhân tạo rách nát, lộ rõ từng mảng bê tông lởm chớm, sắc nhọn.

Chị Trần Kim Hằng (trú tại phố Nguyễn Khánh Toàn) cho biết, chị thường xuyên đưa con trai 2 tuổi ra công viên Nghĩa Đô vui chơi, nhận thấy khu vực vui chơi cho trẻ em hiện nay các thảm cỏ nhân tạo bị rách nát, hư hỏng, một số khu vực lộ những mảng bê tông lồi lõm, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn cho trẻ nhỏ. Các cháu nhỏ hiếu động, chạy nhảy nếu không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn rất dễ xảy ra thương tích. Thực tế, con trai 2 tuổi của chị Hằng có vài lần chạy nhảy bị vấp ngã, trầy xước nhẹ. Do không có khu vực vui chơi nào khác nên nên gia đình chị Hằng ưu tiên lựa chọn điểm vui chơi tại công viên Nghĩa Đô vì gần nhà.

Thường ngày, công viên Nghĩa Đô thu hút người dân tập luyện thể thao, các gia đình đưa cháu nhỏ đến vui chơi, giải trí, thời điểm đông đúc nhất là các ngày cuối tuần, nhiều đơn vị trường học cho các học sinh trải nghiệm.

Gia đình chị Hằng có 3 người con, hai cháu lớn buổi chiều hàng ngày đều ra công viên Nghĩa Đô vui chơi. “Đối với gia đình chúng tôi, công viên Nghĩa Đô giống như một không gian sống thứ hai của gia đình. Nhìn hiện trạng xuống cấp, chúng tôi cảm thấy xót xa và mong mỏi các cơ quan chính quyền cần sớm đẩy nhanh tiến độ cải tạo để trả lại không gian công cộng an toàn, hữu ích cho người dân”, chị Trần Kim Hằng kiến nghị.

Thảm cỏ nhân tạo tại khu vực vui chơi cho trẻ em bị rách nát, lởm chởm mảng bê tông lớn. Ảnh: Mộc Miên
Thảm cỏ nhân tạo tại khu vực vui chơi cho trẻ em bị rách nát, lởm chởm mảng bê tông lớn. Ảnh: Mộc Miên

Mong mỏi chờ cải tạo

Một người dân khác bày tỏ, hiện trạng xuống cấp các hạng mục công trình tại công viên Nghĩa Đô đã tồn tại vài năm nay, quá trình cải tạo, sửa chữa chỉ mang tính “chắp vá” các hạng mục nhỏ, lẻ. Về mặt mỹ quan, công trình không được đẹp mắt. Nếu được cải tạo đồng bộ, không gian công cộng sẽ thu hút người dân và đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Trước đây, công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy từng một thời là niềm tự hào của người dân sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy bởi hệ thống cây xanh phủ kín, có hồ nước và khu vui chơi cho trẻ em hiện đại.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, hiện trạng xuống cấp của một số hạng mục công trình tại công viên Cầu Giấy cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Không chỉ nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, vỉa hè quanh khuôn viên Cầu Giấy cũng bị lấn chiếm, tận dụng làm chỗ đỗ xe trái quy định.

Ghi nhận hiện trạng xuống cấp của công viên Nghĩa Đô và công viên Cầu Giấy, tại kỳ họp tháng 12/2023, HĐND quận Cầu Giấy đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 15/12/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công của quận Cầu Giấy.

Trong đó, có dự án cải tạo, sửa chữa công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô. HĐND quận Cầu Giấy giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy quản lý, duy trì hoạt động hai công viên Nghĩa Đô và công viên Cầu Giấy từ ngày 1/3/2024. Theo kế hoạch, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy phối hợp đơn vị nhà thầu khảo sát, đánh giá thực trạng, hoàn thiện của các tục pháp lý về hoạt động đấu thầu, dự kiến thi công cải tạo hạng mục xuống cấp tại Công viên Cầu Giấy và Công viên Nghĩa Đô từ Quý IV/2024, hoàn thành bàn giao công trình đưa vào sử dụng giai đoạn 2024-2025.

Như vậy, thời gian để người dân chờ đợi cải tạo các công trình xuống cấp khoảng vài tháng, thậm chí kéo dài đến cả năm. Thực tế, các không gian công cộng như công viên cần thiết đối với người dân hàng ngày, giống như một lá phổi xanh cộng đồng. Trước mắt, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy cần chú trọng cải tạo các hạng mục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thay vì nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan để sớm trả lại không gian xanh, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Trước tình trạng một số công viên, vườn hoa trên địa bàn xuống cấp, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo hai cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp. Kế hoạch nhằm thực hiện Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, trong đó có nội dung quan trọng ưu tiên đến hệ thống hạ tầng xanh.

(Còn nữa)

Hà Nội quyết tâm hồi sinh, làm “sống lại” các công viên, vườn hoa
Hiệu quả từ những công viên cộng đồng
Việc bảo tồn và phát triển các công viên: nên với tư cách là một thiết chế văn hóa
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động