Việc bảo tồn và phát triển các công viên: nên với tư cách là một thiết chế văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau gần chục năm được công bố quy hoạch và khởi công, hiện trạng công viên Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chỉ là một bãi cỏ rộng lớn, ngổn ngang, là nơi tập trung rác thải, phế liệu, thậm chí còn được trưng dụng làm bãi dạy lái xe ô tô… Ảnh: Khánh Huy |
“Hồi sinh” 16 công viên trong năm 2024
Tại Hà Nội, cuối năm 2023 vẫn có khoảng 5 dự án chậm tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng, điển hình như công viên Chu Văn An khởi công từ năm 2014; công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); công viên Hữu Nghị (quận Bắc Từ Liêm); công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (giai đoạn 1)...
“Tương tự, số lượng các vườn hoa công viên cần sớm được cải tạo, chỉnh trang cũng chiếm số lượng không nhỏ. Do bị xuống cấp nên đây chỉ là những không gian “nhàn nhạt”, thiếu bản sắc kiến trúc cảnh quan, thiếu tính thẩm mỹ và trang trí điểm nhấn đô thị, thiếu các tiện nghi sử dụng thiết yếu như nhà vệ sinh công cộng, bãi để xe…; một số hạng mục bị bong tróc nứt gãy, mất an toàn… Tổ chức không gian và thẩm mỹ thiếu kết nối với không gian kiến trúc cảnh quan và văn hóa bản địa, việc tiếp cận sử dụng người dân khó khăn. Điều đó dẫn tới việc ít người sử dụng, thậm chí để hoang. Nguy cơ hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí nguồn lực đầu tư, thiếu tính thẩm mỹ hấp dẫn, thiếu tiện nghi tác động tiêu cực đến kiến trúc cảnh quan đô thị và tâm lý người sử dụng và đặc biệt là mất an toàn cho người sử dụng. Cụ thể, tại Hà Nội điển hình là trường hợp của công viên Tuổi Trẻ, vườn hoa Nguyễn Trãi và vườn hoa Hà Đông…” – kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương cho biết.
Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) với diện tích 42.000m2 vốn được xem là một trong những lá phổi xanh của TP. Một thời, công viên Nghĩa Đô là niềm tự hào của người dân trên địa bàn quận, bởi hệ thống cây xanh cũng như khu vui chơi trẻ em được đầu tư bài bản, chất lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hạng mục trong công viên đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa...
Trên địa bàn TP Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do TP và UBND cấp quận/huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý. Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 6/9/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.
Trong danh sách các công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp giai đoạn này thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm chiếm số lượng nhiều nhất, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp. Tiếp theo là quận Hoàng Mai (6), Hai Bà Trưng (5), Đống Đa (5)... Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch).
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội đã vạch ra kế hoạch cụ thể như nâng cấp các công viên như Bách Thảo, công viên Thủ Lệ... Đồng thời, triển khai dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên Đống Đa, Thống Nhất. Tại kỳ họp thứ 12, tổ chức đầu tháng 7/2023, HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư hơn 886 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp công viên Thủ Lệ, công viên Bách Thảo và công viên Thống Nhất. Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện các quận đã ban hành kế hoạch và thực hiện các bước đầu tư xây dựng... Đến nay, vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã.
Nên lồng ghép một số mục tiêu vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Báo cáo về công tác bàn giao, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với 41/45 công viên, vườn hoa do các quận thực hiện, sau hơn 2 năm triển khai, về cơ bản các quận đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai phù hợp với thực tế từng địa phương. Đến nay, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa (đạt khoảng 91% kế hoạch).
Theo ông Dương Đức Tuấn, với 9 công viên xây dựng mới, giao các sở, ngành và UBND các quận, huyện phối hợp với nhà đầu tư tập trung hướng dẫn, xử lý, đôn đốc, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc cụ thể thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Với 111 công viên, vườn hoa lớn, nhỏ do các quận, huyện chủ động thực hiện, yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung sớm hoàn thành công tác đầu tư từ nay đến năm 2025 để phục vụ người dân địa phương cũng như bổ sung thêm không gian cây xanh cho Thủ đô.
PGS. Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh của Hà Nội có thể được cải thiện khi chúng ta lồng ghép những mục tiêu này vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc bảo vệ và quan tâm đến công viên với tư cách thiết chế văn hóa cần phải xem là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, sáng tạo, bền vững và đáng sống. Chính vì thế, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên đề cập đến tư cách thiết chế văn hóa của công viên có thể ảnh hưởng đến việc quan tâm và thúc đẩy giá trị văn hóa của các công viên trong quy hoạch và quản lý đô thị sau này. Để đảm bảo công viên không chỉ đáp ứng yêu cầu về môi trường, chức năng công cộng mà còn thể hiện bản sắc văn hóa của Thủ đô, các cơ quan liên quan nên xác định công viên là một thiết chế văn hóa...
Đặc biệt, các thiết chế văn hóa là các không gian công cộng, dành cho cộng đồng, là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa, nhưng một khi những mục đích căn bản đó không đạt được, thì đây là một sự lãng phí rất lớn. Việc bảo tồn và phát triển các công viên với tư cách thiết chế văn hóa không chỉ góp phần tạo nên một môi trường sống tốt hơn cho người dân mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của TP, góp phần tạo nên một TP sáng tạo và phát triển bền vững.
Hà Nội: quyết tâm làm "sống lại" các công viên, vườn hoa | |
Hà Nội quyết tâm hồi sinh, làm “sống lại” các công viên, vườn hoa | |
Hiệu quả từ những công viên cộng đồng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại