Hà Nội: quyết tâm làm "sống lại" các công viên, vườn hoa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVườn hoa Diên Hồng sau khi được cải tạo. Ảnh: TN |
Thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã có nhiều dự án nâng cấp, cải tạo vườn hoa, công viên trong khu vực nội đô. Những dự án này nằm trong Chương trình 03/CT-TU của Thành ủy Hà Nội, đối với hạng mục cải tạo công viên, vườn hoa trên địa bàn trong giai đoạn 2021-2025 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi rà soát, TP đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa để duy trì ổn định cảnh quan, phục vụ người dân. Trong đó, quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp. Tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa... cần cải tạo, sửa chữa.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhìn chung tiến độ cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên chậm, ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Đến nay, vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp, vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã, phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã.
Năm 2023, các quận tiếp tục cải tạo các công viên, vườn hoa: Cổ Tân, Bác Cổ, 19/8, Tao Đàn (quận Hoàn Kiếm); Pasteur, vườn hoa hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ); Ngọc Lâm (quận Long Biên); công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (quận Hoàng Mai)...
Đối với 3 công viên thuộc quản lý của TP gồm: công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo sẽ được cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021-2025. Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản TP giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất TP triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên hiện có, TP Hà Nội đang thúc tiến độ các dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư gồm: công viên Chu Văn An (huyện Thanh Trì), công viên CV1 (quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm), công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy), công viên văn hóa Kim Quy (huyện Đông Anh), công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Theo Phó Chủ tịch UNBD Hà Nội Dương Đức Tuấn, TP Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên, vườn hoa để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Các công viên, vườn hoa sẽ được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu, duy trì và thực hiện bằng đầu tư công.
TP Hà Nội giao Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên xây mới, hoàn thành các dự án đúng kế hoạch. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Với nỗ lực phải làm "sống lại" các công viên, TP Hà Nội đang tiếp tục tập trung nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công viên, vườn hoa để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ người dân. Để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, TP Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, TP Hà Nội sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công. |
Đến năm 2025, Hà Nội sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa | |
“Giải tỏa cơn khát” không gian xanh cho Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại