“Giải tỏa cơn khát” không gian xanh cho Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông viên Bách Thảo sẽ được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ |
Xác định nguyên nhân, tìm giải pháp
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay TP có 70 công viên và vườn hoa nhưng tồn tại gần 10 công viên bị bỏ hoang. Riêng ở quận Hoàn Kiếm và khu vực nội đô lịch sử, tổng diện tích đất cây xanh và làm không gian công cộng chỉ bằng gần 2% tổng diện tích đất sử dụng. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều công viên, vườn hoa, đã xuống cấp, nhiều hạng mục đã hư hỏng, không còn đảm bảo an toàn cho du khách đến vui chơi. Ghi nhận tại một số khu vực, hệ thống cửa sắt, tường rào bị bong tróc. Một số đoạn đường đi bộ bị lõm, nứt. Có công viên trong khu vui chơi dành cho trẻ em với thảm cỏ nhân tạo thì cũng rách nát, bong tróc, lồi lõm...
Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã từng lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng của các chủ đầu tư và của chính quyền địa phương đối với các dự án công viên; xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất phương án giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công viên. Tuy nhiên, kết quả thu lại không nhiều.
Trong nhiều thập kỷ trước, các công viên nằm giữa lòng TP như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... đã thật sự là những “lá phổi” xanh, khoảng thở đô thị, điểm đến vui chơi, giải trí thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số chóng mặt đã khiến những không gian xanh này không còn cân đối với những khu đô thị mọc lên san sát.
Bên cạnh đó, do ít được đầu tư nên những công viên này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Công viên Bách Thảo vẫn chỉ là nơi tập thể dục của người dân, vườn thú Thủ Lệ chỉ đông người vào vài ngày nghỉ lễ trong năm... Tại khu vực phía Tây có một số điểm vui chơi, giải trí khác như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên Hồ Tây song tính hấp dẫn hạn chế, chưa trở thành điểm đến thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Cải tạo công viên thế nào?
Để khắc phục những tồn tại trên, mới đây UBND Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc các sở, ngành và địa phương về việc thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa trên địa bàn. Theo đó, 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.
10 vườn hoa ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan gồm: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng. Đối với công viên, vườn hoa cải tạo, sửa chữa (mức độ 2) có 10 công viên và 22 vườn hoa.
TP cũng đặt mục tiêu hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025, gồm: Công viên Chu Văn An, công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang và công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Nói về phương án thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết địa phương sẽ có lộ trình đảm bảo phù hợp với nguồn lực của quận. Đồng thời, quận khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên có trên địa bàn.
Hiện, quận Ba Đình có 3 công viên và 7 vườn hoa, trong đó công viên Indira Gandhi do quận trực tiếp quản lý. Do đó, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ phân công trách nhiệm cho các phòng ban và UBND các phường để thực hiện quản lý, vận hành theo phân cấp.
Đối với lộ trình bỏ hàng rào công viên Thống Nhất như kế hoạch của UBND Hà Nội, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết đang xây dựng đề án về tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Thiền Quang để kết nối không gian công cộng với công viên Thống Nhất.
"Tuyến phố đi vào hoạt động thì việc sử dụng, vận hành công viên Thống Nhất theo hướng mở mới thực sự hiệu quả", lãnh đạo quận thông tin và cho biết trước mắt, địa phương sẽ xử lý dứt điểm những sai phạm, tồn tại của công viên này cùng công viên Tuổi trẻ thủ đô cùng nằm trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, nhiều quận của TP có quỹ đất nhưng do số lượng công viên được xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch nên khả năng phục vụ cộng đồng còn hạn chế.
Ngoài ra, một số khu vực nội thành thiếu quỹ đất để bố trí thêm trong khi ngoại thành chủ yếu vẫn sử dụng đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó để tiếp cận sử dụng. Đây là những thách thức cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên của Hà Nội.
“Chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là 9-10 m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhiều quận, huyện của Hà Nội chưa được 2 m2/người. Nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển hệ thống công viên và cây xanh cũng chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nên rất hạn hẹp”, ông Trúc Anh đánh giá.
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, với nhiều dự án công viên, DN được tham gia vào quá trình thực hiện. Nhưng thực tế triển khai, các chủ đầu tư lại cơi nới, tăng diện tích để làm các công trình thương mại dịch vụ khác như nhà hàng, bãi đỗ xe.
KTS Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo cơ chế giám sát đầu tư các dự án công viên của Hà Nội cần chặt chẽ hơn, đảm bảo DN không vi phạm việc cắt xén không gian xanh để đầu tư hạng mục kinh doanh khác.
Từ ý tưởng mong thành hiện thực | |
Hiện trạng 3 công viên biểu tượng của Hà Nội sắp được cải tạo | |
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công viên |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại