Thứ năm 09/05/2024 08:42

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu ba việc lớn để Hà Nội phát triển bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, sự phát triển trong tương lai của Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn: Định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước; sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; sự thống nhất và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng Dân”.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu ba việc lớn để Hà Nội phát triển bền vững

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 22-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vận dụng sáng tạo một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam được xác định trên ba trụ cột

Trong tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, từ thực tiễn của hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện và hiện thực hoá lý luận về đường lối đổi mới Việt Nam. Đây là sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện thực tiễn Việt Nam thời kỳ mới; là sự sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn đất nước và xu thế thời đại, trên cơ sở đúc kết những bài học thành công và thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, kế thừa có chọn lọc tinh hoa, giá trị văn hoá và các thành tựu phát triển của nhân loại.

Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện sâu sắc những nội dung cốt lõi của lý luận về đường lối đổi mới Việt Nam. Về mục tiêu, đó là kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh của Nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đến giữa thế kỷ XXI phấn đấu nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam được xác định trên ba trụ cột: Một là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ba là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa - phương thức hiệu quả nhất để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành ba trụ cột nói trên đòi hỏi chúng ta phải nắm vững, quán triệt sâu sắc và xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề có tính quy luật mang tính biện chứng của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, như Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra... "Đây là mô hình và con đường phát triển riêng của Việt Nam, bởi vậy, cùng với việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu tinh hoa và những giá trị phát triển của nhân loại, không nơi đâu có thể tổng kết, nghiên cứu tốt hơn là ngay chính từ thực tiễn Việt Nam; và so với các địa phương trong cả nước, không nơi đâu có thể tổng kết, nghiên cứu thực tiễn về những vấn đề này được một cách đầy đủ và toàn diện như ở Thủ đô Hà Nội” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, về cơ bản, Hà Nội phản ánh một nước Việt Nam thu nhỏ, xét trên mọi mặt cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, con người, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính, là một trong những đầu tàu kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước; nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của đất nước; là thành phố hòa bình có quan hệ đối ngoại rộng mở với hàng trăm thủ đô và thành phố lớn trên thế giới, cũng là nơi lan tỏa những giá trị văn hóa, phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Hà Nội có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước

Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, tuy chưa phải là địa phương tiên phong trên tất cả các mặt nhưng lại là nơi có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

"Ai đó đã từng nói, “Hà Nội không vội được đâu” thật không hẳn đúng, bởi vì về thực chất, mỗi bước đi của Hà Nội đều thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa các yếu tố: kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói. Đồng thời cho rằng, trong sự bứt phá, vươn lên, Hà Nội còn cần giữ nhịp bước đi vững chắc để bảo đảm sự phát triển ổn định và thành công. Là trung tâm và là hạt nhân của mô hình liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội có vai trò quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy sự bứt phá của các địa phương trong vùng theo nguyên tắc “cùng thắng”, cùng phát triển.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh sự phát triển trong tương lai của Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn: Thứ nhất, định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước.“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến một xu hướng tương lai, cũng là một trong những thách thức mà Hà Nội đang đối mặt. Đó là, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, xã hội ngày càng trở nên khá giả và thu nhập của người dân ngày một cao hơn thì “chất lượng cuộc sống” trở thành giá trị ngày càng quan trọng của một đô thị hiện đại hàng đầu” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Vì vậy, nâng cao chất lượng cuộc sống trở thành mục tiêu quan trọng trong quản trị và điều hành của chính quyền TP. Suy giảm chất lượng cuộc sống ở đô thị đồng nghĩa với việc suy giảm nguồn dân cư giàu có, suy giảm nguồn nhân tài và lao động có kỹ năng cao… kéo theo đó là sự suy giảm dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó càng cho thấyý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Thủ đô là một “thành phố đáng sống”, nơi người ta mong muốn, khao khát đến sống và làm việc, có khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu như: đội ngũ nhân tài, các nhà đầu tư, các nhà đổi mới sáng tạo, nhóm doanh nhân, kèm theo đó là tri thức, công nghệ và nguồn vốn. Đây là những nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng tầm ảnh hưởng trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, trở thành tiêu điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội cần nắm bắt xu hướng này cùng với những thay đổi của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, vấn đề việc làm; trong đó đặc biệt chú ý đến các dịch vụ giá trị gia tăng cao, khai thác nhân tài và kỹ năng tiếp tục đổ về thủ đô; để có quy hoạch và chiến lược phát triển phù hợp với không gian phát triển, có đô thị lõi và chuỗi đô thị vệ tinh đáng sống của Hà Nội cũng như trong kết nối với các địa phương lân cận; xử lý hiệu quả những vấn đề ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… cản trở sự phát triển và giảm chất lượng sống của người dân.

Thứ hai, sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng đất linh thiêng, truyền thống thanh lịch, thành phố anh hùng và thành phố hoà bình, nơi tích tụ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần tiên phong, nhạy bén với cái mới. Đặc biệt Hà Nội cần khai thác hình ảnh là một trung tâm văn hóa của nền văn hiến lâu đời; coi đây là hồn cốt của diện mạo Thăng Long – Hà Nội để giới thiệu ra thế giới, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch.

"Chúng ta đã có Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và 2050 ban hành năm 2011, Luật Thủ đô năm 2012, Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XII về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết của Quốc hội khoá 14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, là những văn bản hết sức quan trọng định hướng sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Hà Nội cần tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và các địa phương; sự hợp tác của các địa phương, các đối tác, các tổ chức quốc tế, phát huy với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thực hiện thành công trọng trách chính trị của Thủ đô"- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.

Thứ ba, sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng Dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới. Trước những yêu cầu mới ngày càng cao của thủ đô và đất nước, Đảng bộ Hà Nội cần tiếp tục cố gắng cao độ, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết thống nhất để lãnh đạo giải quyết những khó khăn, thách thức đặt ra, đưa sự nghiệp đổi mới của Thủ đô có những bước đột phá phát triển.

“Hà Nội phải tập trung huy động trí tuệ của toàn Đảng bộ, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô – thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong đó, người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người dân được đặt lên hàng đầu” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Thuỷ Tiên - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động