Thứ tư 11/09/2024 21:16
Báo Kinh tế & Đô thị và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học

"Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Khánh Huy.

Đến dự Hội thảo có: đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME); Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) và cộng đồng doanh nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp); Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT).

Ban Tổ chức, về phía Báo Kinh tế và Đô thị có: PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô Thị cùng Ban biên tập, lãnh đạo các ban của báo. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có: TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng cùng các lãnh đạo khoa, phòng ban, giảng viên, sinh viên của nhà trường.

Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và những người quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo khoa học, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị bày tỏ, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để đưa Luật vào cuộc sống.

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô 2012 được kỳ vọng tạo dựng một đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Khánh Huy.

Ngoài ra, sửa đổi Luật Thủ đô sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô, giúp Hà Nội tăng tốc phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy vị thế của Thủ đô trong vai trò là đầu tàu kinh tế - chính trị- xã hội của cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.

Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.

PGS.TS Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh, để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thời gian qua, Bộ Tư pháp và UBND Thành phố Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, tổ chức các cuộc họp với đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ, các Sở, ngành của Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để góp ý trực tiếp vào từng nội dung/quy định cụ thể của dự thảo Luật; tổ chức các hội thảo tham vấn các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các quy định, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công; hội thảo về phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Đại biểu, các nhà khoa học cùng Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy.

Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/01/2024 của UBND TP Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành và Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi)”.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô Thị và TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cùng chủ trì buổi hội thảo. Ảnh: Khánh Huy.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học tham luận xung quanh các nội dung: một là, phân tích và làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Hai là, xác định rõ các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; Đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ba là, thảo luận và đề xuất các giải pháp để có cơ chế chính sách cụ thể trong việc trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay; Các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bốn là, giải pháp tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là nhóm lao động lõi của xã hội, đóng vai trò “đầu tầu” trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức.

Năm là, các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức, nhân dân, tạo sự thống nhất và sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và triển khai thi hành.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý trình bày tham luận về các vấn đề như: tuyển chọn nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội - Lịch sử và bài học; vai trò của phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội; thực trạng chính sách, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công Việt Nam hiện nay; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay; vận dụng quan điểm của Đảng về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài - Liên hệ thực tiễn tại Thủ đô Hà Nội...

Quy định thu hút, trọng dụng nhân tài cần đảm bảo tính khả thi Quy định thu hút, trọng dụng nhân tài cần đảm bảo tính khả thi

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài cần đưa ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động