Bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm bị xử lý thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiệm bánh mỳ Cô Băng, TP Long Khánh (Đồng Nai) cơ sở bán bánh mỳ khiến nhiều người ngộ độc. Ảnh: N.K |
Vụ ngộ độc khiến 568 người nhập viện
Ngày 7/5, liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh, Đồng Nai) khiến 568 người nhập viện khám và điều trị, UBND TP Long Khánh đã chuyển cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Theo UBND TP Long Khánh, qua làm việc với chủ hộ kinh doanh và kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận các vi phạm của chủ hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh để chứng minh hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm của tiệm bánh mì.
Trước đó, hơn 500 người nghi bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, điều trị sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng trên địa bàn phường Xuân Bình. Đến chiều 6/5, tổng số người nghi bị ngộ độc phải nhập viện là 568 người. Trong đó, đang điều trị là 300 người, 11 người phải chuyển viện, 138 người được xuất viện, cấp toa điều trị 119 người. Trong số 568 người nghị bị ngộ độc thực phẩm có 124 trẻ em và nhiều ca rất nặng.
Nhận định từ luật sư
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ buộc phải tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh theo Điều 22, Luật An toàn thực phẩm 2010. Cụ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như: có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm; duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm…
Như vậy, đối với hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải đặt lên hàng đầu, phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo VSATTP. Theo khoản 6, khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi điểm đ, điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP, chủ cơ sở kinh doanh sẽ bị hạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối cá nhân và 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 119 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017, quy định người nào thực hiện chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Phạm tội thuộc các trường hợp có tổ chức; làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm… thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 2 người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người… thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 03 người trở lên; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Như vậy, theo luật sư Hùng, bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác ngoài bị xử lý hành chính thì còn có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm tùy theo tính chất nguy hiểm và hậu quả để lại của hành vi mà sẽ có các mức hình phạt khác nhau.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại