Thứ hai 29/04/2024 06:39

Dấu hiệu nhận biết u não trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
U não trẻ em thường gặp và đứng hàng thứ 2 sau bệnh ung thư máu. Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết u não trẻ em là điều mà phụ huynh cần biết.

Những điều cần biết về u não trẻ em

U não trẻ em là loại u thường gặp biểu hiện bệnh rất đa dạng từ lành tính đến ác tính với mọi lứa tuổi từ nhũ nhi đến tuổi thành niên. Bệnh u não trẻ em có thể xuất hiện ở tất cả các vị trí trong hộp sọ bao gồm trên lều tiểu não, dưới lều tiểu não, đường giữa và trong não thất.

Khác với người lớn, bệnh cảnh u não trẻ em có vị trí thường gặp là ở vùng hố sau chiếm 50-55% tổng số u não trẻ em. Loại mô bệnh học thường gặp nhất là u tế bào thần kinh đệm độ ác tính thấp, trong đó chủ yếu là u sao bào lông (30-40%).

Một số loại mô bệnh học khác ít gặp hơn như: U nguyên tuỷ bào, u màng não thất, u sọ hầu, u tế bào mầm, u nguyên bào thần kinh đệm…

Dấu hiệu nhận biết u não trẻ em

Dấu hiệu nhận biết bệnh u não trẻ em

1. Đau đầu

Đây là dấu hiệu “kinh điển” của bệnh lý khối u nội sọ. Nhưng không may, nó cũng là triệu chứng của rất nhiều các bệnh lý khác. Những cơn đau đầu dai dẳng kéo dài trên 4 tuần, xuất hiện không có tiền triệu, thường vào buổi sáng và kèm nôn là một dấu hiệu cần được lưu tâm. Tuy nhiên, với trẻ chưa nói, dấu hiệu này thường không được nhận biết.

2. Buồn nôn và/hoặc nôn

Đây là dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảnh tiêu hóa, một dạng bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu này trong bệnh lý u não thường không đi kèm sốt hay rối loạn hình thái phân.

Nếu bệnh nhi của bạn nôn kéo dài không tương xứng với những dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa, hãy nghĩ u não. Thậm chí, nên loại trừ triệu chứng của u não, trước khi bắt tay vào điều trị các rối loạn tiêu hóa cho trẻ.

3. Co giật

Co giật là dấu hiệu đầu tiên trong khoảng 40% các ca u não ở trẻ nhỏ. Lưu ý, trẻ có thể co giật ngay cả khi không có rối loạn thân nhiệt, một dấu hiệu quan trọng để phân biệt với sốt cao co giật.

4. Rối loạn về thị giác

Trẻ có thể nhầm lẫn trong khi tiếp cận đồ vật, một số có thể có dấu hiệu sụp mi hoặc lác.

5. Rối loạn về dáng đi hoặc khả năng thăng bằng

6. Rối loạn về phát triển

7. Rối loạn về giấc ngủ

8. Yếu liệt nửa người

9. Vẹo cổ, rung giật cơ

Đối tượng trẻ em có nguy cơ mắc bệnh u não

Bệnh u não trẻ em là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em nhiều nhất hiện nay, những trẻ sau có nguy cơ cao mắc bệnh:

- Trẻ có tiền sử người trong gia đình đã từng bị bệnh;

- Trẻ sống trong môi trường hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại.

Phòng ngừa bệnh u não trẻ em

Để phòng ngừa bệnh u não của trẻ em có thể kể đến các biện pháp sau:

- Thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.

- Hạn chế tiếp xúc với những chất độc hại.

U não là loại u đặc thường gặp nhất ở trẻ em, góp phần đáng kể vào tỷ lệ tử vong lứa tuổi này. Tiên lượng phụ thuộc vào loại u, vị trí khối u, kích thước, sự có và không có di căn, đáp ứng của khối u đối với điều trị, tuổi và sức khỏe của trẻ, sự chựu đựng thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp, sự tiến bộ của điều trị.

So với người lớn, u não trẻ em có tiên lượng tốt hơn nhưng việc điều trị cũng còn gặp nhiều khó khăn cả từ phẫu thuật đến điều trị tia xạ, hóa chất hay chăm sóc giảm nhẹ và phục hồi chức năng.

Sau liệu trình điều trị, bệnh nhân phải được theo dõi định kỳ để phát hiện tái phát (nếu có) để điều trị kịp thời.

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động