Các loại rau củ bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác loại rau củ bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu? |
Rất nhiều người nội trợ có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản khoa học, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, rau củ là loại thực phẩm dễ hỏng nhất. Vậy, rau củ bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?
Theo các chuyên gia, nếu biết cách riêng để bảo quản từng loại rau củ, chúng sẽ được lưu trữ được lâu hơn và ngon hơn. Dưới đây là thời gian bảo quản từng loại rau củ quả:
Táo
Nếu bạn dự định ăn táo mỗi ngày, bạn có thể giữ chúng trong nhiệt độ phòng tối đa 1 tuần. Tuy nhiên, táo có thể được bảo quản trong tủ lạnh lâu hơn (từ 4 - 6 tuần). Táo tỏa ra khí ethylene, khiến các loại rau củ tươi sống khác chín nhanh hơn. Vì vậy, tốt nhất nên để táo tránh xa các loại trái cây và rau khác trừ khi bạn muốn chúng chín nhanh.
Cà chua
Cà chua sẽ giữ được bên ngoài cho đến khi chín mềm. Sau khi chín, chúng sẽ tươi thêm 1 tuần nữa trong nhiệt độ phòng hoặc trong tủ đựng thức ăn tránh nắng hoặc nhiệt. Bạn không nên cho cà chua vào tủ lạnh vì sẽ làm thay đổi mùi vị, giảm chất dinh dưỡng và nhanh hỏng hơn. Nhưng có một ngoại lệ là hãy đặt cà chua vào tủ lạnh nếu bạn đã cắt chúng.
Bông cải xanh và súp lơ trắng
Bông cải xanh và súp lơ trắng sẽ được bảo quản trong tủ lạnh từ 3 - 5 ngày. Tốt nhất nên đặt chúng trong ngăn kéo tránh xa các món khác.
Xà lách và các loại rau xanh
Bạn nên giữ rau diếp và các loại rau lá xanh khác - như cải xoăn, rau bina hoặc cải thìa, trong tủ lạnh. Rau diếp có thể bảo quản trong tủ lạnh 1 - 2 tuần; rau bina, hay còn gọi là bó xôi, chân vịt không quá 1 tuần. Các loại rau xanh khác sẽ tươi trong 4 ngày nếu để tủ lạnh. Nếu chọn rau xanh được đóng gói hoặc đóng túi sẵn, chúng sẽ giữ được ít thời gian hơn - chỉ khoảng 3 - 5 ngày. Đừng để rau xanh đóng túi quá 2 ngày sau khi mở.
Các loại củ
Cà rốt và củ cải đỏ (hình tròn) sẽ tươi lâu trong tủ lạnh đến 3 tuần. Củ cải vàng và củ dền sẽ để được khoảng 2 tuần. Nếu bảo quản cà rốt trong ngăn đá, bạn nên trụng nước sôi trong 2 phút, rồi cho vào túi nilon kín trước. Làm như vậy có thể trữ cà rốt lên đến 8 - 12 tháng.
Thay vì để trong tủ lạnh, tốt nhất bạn nên để khoai tây và khoai lang trong tủ đựng thức ăn hoặc nơi tối và thoáng mát. Khoai tây để trong tủ lạnh có thể bị sẫm màu khi nấu và có vị ngọt. Ngay cả ở nhiệt độ phòng, chúng vẫn có thể tươi ngon 10 ngày. Lưu ý, không đặt khoai tây sát nền đất nhằm tránh nảy mầm và gây ngộ độc.
Các loại bí
Bí đao và bí xanh sẽ tươi đến 5 ngày trong tủ lạnh. Bí ngô hoặc bí đỏ có thể giữ được lâu hơn rất nhiều. Chúng sẽ để đến 3 tháng trong một nơi tối, mát mẻ như tủ đựng thức ăn, hầm rượu hoặc tủ lạnh. Nhưng sau khi đã bổ hoặc cắt nhỏ, bạn cần giữ lạnh bí trong hộp kín và bảo quản được trong 1 tuần.
Tỏi và hành củ
Giữ tỏi và hành củ ở nơi tối và mát trong tủ đựng thức ăn bình thường. Ở nhiệt độ lạnh, tỏi dễ bị thối bên trong và hành củ sẽ dễ bị mốc, mềm nhũn. Ở nhiệt độ thường, tỏi có thể sử dụng trong 2 tháng, còn hành là 1 tháng.
Nếu đã tách các tép tỏi, tốt nhất nên cho vào tủ lạnh. Cho các tép tỏi hoặc hànhvào túi nilon hoặc hộp đựng riêng, và giữ chúng tách biệt với các loại thực phẩm để không ảnh hưởng đến hương vị của các loại trái cây và rau củ tươi sống khác.
Khi bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh, bạn cần chú ý một số điều sau để kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm:
Loại bỏ phần hư hỏng, dập nát: sau khi mua rau củ quả về, bạn cần cắt bỏ ngay những phần hư, dập nát trên bề mặt chúng trước khi mang đi bảo quản. Sở dĩ cần phải làm vậy là vì rau củ dập nát và bị hư sẽ tạo ra khí ethylene, gây hiện tượng chín tự nhiên, dễ sinh ra nấm, mốc và làm hỏng phần nguyên vẹn còn lại.
Không nhất thiết rửa rau củ trước: xhúng ta thường nhầm lẫn rằng phải rửa rau củ ngay sau khi mua về rồi đem đi trữ và sử dụng từ từ. Thế nhưng, điều này là không nên nhé. Nếu bạn rửa trước sẽ vô tình làm cho rau củ quả dễ bị dập, úng nước. Ngoài ra, việc dư thừa độ ẩm trong các thực phẩm, đặc biệt là rau sẽ khiến chúng biến đổi màu sắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi và mất chất dinh dưỡng tự nhiên.
Ghi chú ngày đóng gói: khi cho thực phẩm vào tủ lạnh nên ghi lại thứ tự lưu trữ hoặc chia thực phẩm theo món ăn trong thực đơn từng ngày, để tránh việc để quên thực phẩm quá lâu.
Không trữ đông rau củ lại nhiều lần vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng của rau củ. Khi đã rã đông, hãy sử dụng chúng ngay lập tức và không đông lại.
Phân loại rau trước khi cho vào tủ lạnh: mỗi loại rau củ đều có cách bảo quản riêng vì thời gian và điều kiện độ ẩm bảo quản khác nhau, vì vậy bạn nên phân loại cụ thể rau, củ và cho vào túi riêng trước khi cho vào tủ lạnh.
Bọc thực phẩm: rau, củ muốn tươi lâu thì cần độ ẩm từ 80 - 95% nhưng trong tủ lạnh thường có độ ẩm vào khoảng 65%. Vì vậy nên cho chúng vào túi đựng thực phẩm hoặc màng bọc thực phẩm để ngăn sự bay hơi nước, độ ẩm sẽ cao hơn, giữ được độ tươi lâu hơn. Túi đựng thực phẩm nên được làm từ chất liệu PP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bạn và gia đình.
Rau củ quả có thể được bảo quản trong tủ lạnh một thời gian nhất định, tuy nhiên, cần lưu ý đến điều kiện bảo quản và thời gian sử dụng tối đa để tránh việc thực phẩm bị hỏng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Bằng cách áp dụng các biện pháp bảo quản đúng cách, bạn có thể tận dụng được toàn bộ chất dinh dưỡng từ rau củ quả và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Những loại thực phẩm tuyệt đối không nên bảo quản trong tủ lạnh | |
7 loại trái cây không nên bảo quản trong tủ lạnh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại