Thứ sáu 22/11/2024 14:47

Vi phạm bản quyền trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần đây, mạng xã hội dậy sóng vì tác giả P.H, SN 1987 phản ánh việc vi phạm bản quyền với tác phẩm truyện ngắn của cô. Rất tình cờ, biên tập viên của một tờ báo uy tín định lấy tác phẩm của cô đăng báo.
Vi phạm bản quyền trên mạng xã hội
Ảnh minh hoạ

Trong quá trình kiểm tra xem tác phẩm đã từng xuất bản ở đâu chưa, biên tập viên phát hiện ra, truyện ngắn của tác giả P.H đã được một tạp chí đăng trước đó. Điều đáng nói ở đây, tạp chí đăng tác phẩm nhưng không xin phép tác giả mà dẫn nguồn từ một nhóm trên mạng xã hội.

Khi tác giả P.H gửi email phản ánh sự việc với đầy đủ bằng chứng đây là tác phẩm của cô thì nhận được câu trả lời từ tạp chí kia là có sự thỏa thuận sử dụng tác phẩm từ nhóm văn chương C.Q. Phía tạp chí cũng đã lập tức gỡ bài xuống. Lần ngược trở lại, tìm vào nhóm C.Q, tác giả nhận thấy tác phẩm của mình bị một thành viên của nhóm này đăng lên. Dù câu chuyện khép lại nhưng vẫn để lại sự ấm ức cho tác giả khi tác phẩm bị tùy tiện sử dụng mà không nhận được sự xin phép cũng như nhuận bút. Nhiều tác giả, trong đó có tôi bị các kênh audio, trang web lấy bài để đọc hoặc đăng nhưng không xin phép cũng như không nhận được nhuận bút. Dường như, họ còn “mặc định” rằng, việc tác phẩm của chúng tôi được xuất hiện trên kênh của họ là một niềm vinh hạnh. Trong khi đó, nếu các kênh audio, trang web đó phát triển, lợi nhuận sẽ chạy về túi của chủ trang.

Theo tôi, một tác phẩm văn chương là sản phẩm trí tuệ của người viết. Do đó, khi muốn sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào, phía sử dụng nhất thiết phải xin phép tác giả. Khá nhiều người tham gia các hội nhóm văn chương chỉ với mục đích rình rập xem có bài viết nào chất lượng, lập tức copy mang về trang cá nhân đăng mà quên không ghi tên tác giả để mọi người hiểu nhầm là tác phẩm của họ. Một hình thức khác là, họ copy tác phẩm từ nhóm này, mang sang hội nhóm khác đăng, vẫn để nguyên tên tác giả nhưng không hề xin phép chủ nhân. Mục đích chính là thu hút sự chú ý của các thành viên nhằm phục vụ mục đích cá nhân như kinh doanh, làm dịch vụ...

Đã đến lúc, các tác giả phối hợp cùng nhau để bảo vệ bản quyền đứa con tinh thần của mình. Cơ quan chức năng, truyền thông cũng cần vào cuộc, siết chặt vấn đề bản quyền tác phẩm văn chương trên mạng xã hội.

Vy Anh

(Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động