Thứ hai 29/04/2024 13:02

Dấu hiệu nhận biết suy tủy xương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh suy tủy xương, dấu hiệu nhận biết suy tủy xương là gì?

Hiểu về bệnh suy tủy xương

Suy tủy xương là một hội chứng với đặc điểm giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu trong máu, đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ do sự giảm sinh tế bào máu của tủy xương. Ở nước ta, bệnh chiếm hàng thứ ba trong các bệnh lý huyết học, sau bạch cầu cấp và xuất huyết giảm tiểu cầu.

Nguyên nhân bệnh suy tủy xương

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tuỷ xương trong đó có có thể do di truyền hoặc mắc phải. Các nghiên cứu cho thấy suy tuỷ xương do một số bệnh di truyền như: Bệnh Fanconi; Hội chứng Shwachman-Diamond; Rối loạn tạo sừng bẩm sinh; Hội chứng Diamond-Blackfan...

Bệnh suy tuỷ xương còn do một số thuốc thông dụng như thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ áp, chống loạn nhịp, kháng giáp, kháng sinh đặc biệt là chloramphenicol...

Các hóa chất nếu tiếp xúc cũng có thể dẫn đến mắc bệnh suy tuỷ xương. Ngoài ra, nhiễm siêu vi và một số bệnh rối loạn tự miễn (bệnh tuyến giáp miễn dịch, viêm khớp dạng thấp, lupus…)… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tuỷ xương. Tuy nhiên, khoảng 70% các trường hợp là không tìm ra nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết suy tủy xương

– Bệnh nhân suy tủy xương có hội chứng thiếu máu:

+ Da xanh.

+ Niêm mạc nhợt.

+ Lòng bàn tay trắng bệch.

+ Móng tay nhợt có khía, dễ gãy.

+ Hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt.

+ Nhịp tim nhanh, có tiếng thổi tâm thu cơ năng.

+ Nếu tình trạng thiếu máu nặng, bệnh nhân có thể ngã, ngất xỉu khi gắng sức.

– Hội chứng xuất huyết:

Đặc điểm xuất huyết mang tính chất do giảm tiểu cầu. Tuỳ theo mức độ tiểu cầu giảm mà bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc, có thể xuất huyết đường tiêu hoá, xuất huyết não, màng não v.v… Đôi khi tiểu cầu giảm dưới 10 x109/lít, bệnh nhân vẫn chưa có xuất huyết.

– Hội chứng nhiễm khuẩn:

Bệnh nhân có thể có sốt và biểu hiện nhiễm trùng cơ quan khác như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm da mô mềm hoặc nhiễm khuẩn huyết.

– Hiếm khi thấy gan, lách, hạch to trong suy tủy xương.

Làm gì khi bị suy tủy xương?

Khi bị suy tuỷ xương bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo lịch hẹn khám của bác sĩ điều trị, không nên tái khám quá hẹn để tránh hiện tượng thiếu máu nhiều. Khi có các biểu hiện bất thường như sốt, chảy máu, mệt mỏi khác thường nên đi khám lại ngay.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo, thuốc nam chưa có kiểm chứng vì cho đến hiện tại vẫn chưa có phương pháp hoặc thuốc nam nào chứng minh được tính hữu hiệu trong điều trị suy tuỷ xương nên phương pháp điều trị này không được khuyến cáo cho người bệnh.

Ngoài ra, chế độ ăn của bệnh nhân phải đảm bảo vệ sinh mức cao nhất để tránh nhiễm trùng nên. Thức ăn nên được nấu chín và không để tồn lưu quá thời gian cho phép. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.

Chế độ ăn nên cân đối về dinh dưỡng. Tránh ăn quá nhiều muối, mỡ và tinh bột do trong quá trình điều trị có sử dụng corticoid có nguy cơ tăng cân và các dụng phụ khác.

Hạn chế thức ăn chứa nhiều sắt như các loại thịt đỏ, rau có màu xanh đậm. Nên sử dụng các loại thịt trắng, rau có màu đỏ, trắng hoặc vàng.

Để phòng bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn tác nhân gây nguy cơ bệnh như: virus, hóa chất độc hai, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Ăn uống khoa học, thường xuyên thể dục thể thao. Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng- 1 năm/lần để có thể phát hiện sớm các bất thường trong cơ thể.

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động